So với những người hàng xóm láng giềng của mình, gia đình Andrew không phải là không có điều kiện. Người bố của anh đã di cư sang Đức từ năm 1990, trước cả khi con trai mình ra đời. Mẹ của Andrew cũng tìm đường sang châu Âu ngay khi anh bước vào độ tuổi trưởng thành.
Andrew được gia đình tạo điều kiện cho ăn học tử tế. Sau khi thi trượt đại học, anh theo học chương trình trung cấp kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại một học viện công nghệ ở quê nhà. Khi chương trình kết thúc, thay vì tiếp tục học lên cao hơn như phần lớn những sinh viên khác, Andrew quyết định bỏ học. Dù bố mẹ vẫn gửi tiền trợ cấp hàng tháng, nhưng giấc mơ châu Âu vẫn ám ảnh Andrew, khiến anh nghĩ rằng vượt biên là lựa chọn tốt cho tương lai hơn bất cứ con đường học hành khoa cử nào.
Những người châu Phi vượt biển đến châu Âu tìm tương lai. |
Văn hóa “xuất ngoại tìm việc làm” đã trở nên ăn sâu bám rễ ở quê hương của Andrew đến mức trong nhiều trường hợp, chính cha mẹ thôi thúc con cái của họ liều mình xuất dương dù hiểu rằng sẽ có những hiểm họa không nhỏ. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Andrew thì không giống vậy. Bản thân anh cũng không dám chia sẻ ý định của mình với cha mẹ vì biết rằng chắc chắn sẽ bị phản đối. Người thanh niên này chỉ lặng lẽ từ biệt em trai và bạn gái rồi lên đường. Bước đầu trong kế hoạch nhập cư sang Đức của Andrew là tới Italia, nơi anh sẽ gặp một người họ hàng của mình. Từ Italia, Andrew hy vọng sẽ làm được thủ tục giấy tờ để sang Đức, đoàn tụ với cha mẹ và bắt đầu một cuộc sống mới.
Chiến dịch chống buôn người của Đại học Bénin ở bang Edo.Ảnh: AP. |
Kinh tế không phải là động lực chính
Trong khi kinh tế là một động lực thúc đẩy nhiều người châu Phi di cư bất hợp pháp qua bờ bên kia của Địa Trung Hải, một báo cáo mới công bố của Liên hợp quốc đã cho thấy những số liệu đầy bất ngờ, có thể thay đổi định kiến về người nhập cư châu Phi ở châu Âu.
Những người di cư đang vượt sa mạc Sahara. Ảnh: Reuters. |
“Báo cáo cho thấy tìm việc làm không phải là động cơ duy nhất để đi vượt biên, và không phải mọi người nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi đều nghèo khó hay trình độ thấp”, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric phát biểu trước báo giới.
“Có hơn một nửa số người nhập cư được khảo sát cho biết họ có việc làm hoặc đang đi học tại thời điểm quyết định đi vượt biên, và đa số những người có việc làm có mức lương khá tốt”.
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn gần 2.000 người nhập cư bất hợp pháp đến từ 39 quốc gia châu Phi và hiện đang sống tại 13 quốc gia châu Âu. Nguyên nhân vượt biên chủ yếu là tìm kiếm cơ hội chứ không phải tị nạn.
Kết quả cho thấy những người nhập cư này có điều kiện sống tương đối tốt so với tiêu chuẩn cuộc sống tại khu vực tiểu vùng Sahara châu Phi. Có 58% số người được hỏi có việc làm ổn định hoặc đang đi học tại thời điểm vượt biên.
Trung bình, những người nhập cư bất hợp pháp này được giáo dục trong nhà trường nhiều hơn 3 năm so với những người cùng lứa. Với những người bỏ công việc ở quê nhà để đi vượt biên, họ cũng thường có thu nhập trên mức trung bình.
Từ bỏ cuộc sống và công việc để lên đường xuất dương, những người di cư bất hợp pháp từ châu Phi phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường. Để tới được điểm tập kết vượt biển sang Italia, Andrew phải vượt qua sa mạc Sahara rộng lớn có diện tích tương đương nước Trung Quốc. Suốt hành trình này, những người di cư phải ngồi vắt vẻo sau thùng một chiếc xe bán tải Hilux. “Nếu tôi ngã khỏi xe, tôi sẽ bị bỏ lại đằng sau”, Andrew kể lại. Trên đường đi, họ thường xuyên nhìn thấy dấu tích của những người di cư xấu số hơn. “Chúng tôi đã nhìn thấy những bộ xương trắng và thi thể người dọc con đường băng qua xa mạc”. Trên thực tế, dù số người di cư từ châu Phi bị chết đuối trên đường vượt biển sang châu Âu là rất cao, nhưng một báo cáo công bố năm 2016 của tổ chức Sáng kiến Cơ chế Giám sát Nhập cư Hỗn hợp cho biết “nhiều người thiệt mạng trên tuyến đường vượt sa mạc Sahara hơn là khi vượt biển Địa Trung Hải”.
Andrew chật vật gây dựng lại cuộc đời ở Italia. |
Sau chuyến vượt sa mạc Sahara để đến điểm tập kết ở Libya, Andrew may mắn vẫn an toàn và khỏe mạnh. Nhưng anh đối mặt với khó khăn mới khi những kẻ buôn người trở mặt và yêu cầu Andrew phải nộp thêm tiền mới được đi tiếp. Không còn tiền để nộp, Andrew đã bị nhốt vào một căn phòng nhỏ và đánh đập, tra tấn, bắt nhịn đói và uống nước muối hàng ngày. “Thật không khác gì bị bắt cóc”, anh kể lại. “Chúng đánh đập tôi cho tới khi tôi nghĩ ra được cách kiếm tiền để nộp cho chúng”.
Không có cách nào khác để kiếm ra 2.500 USD theo yêu sách của những kẻ buôn người, Andrew đành phải thú nhận với cha mẹ về chuyến vượt biên và cầu cứu họ. Với số tiền được cha mẹ chuyển khoản 3 ngày sau đó, Andrew dùng để nộp thêm cho những kẻ buôn người và sống vạ vật trong nhiều tháng trong khi chờ đợi được đưa sang châu Âu theo đường biển.
Một người di cư phải làm nông nghiệp tại Tây Ban Nha. |
Thời gian phù hợp nhất để vượt biển Địa Trung Hải là vào hai tháng 7 và 8 là những tháng thường không có mưa. Nhóm người di cư của Andrew đã tới trại tạm trú vào tháng 3. Mọi hy vọng về việc có thể vượt biển nhanh chóng đều tan thành mây khói. Andrew, cũng như phần lớn những người di cư khác, chờ đợi ròng rã nhiều tháng liền. Có những người phải chờ đợi đến cả năm.
Bước cuối cùng trong kế hoạch vượt biên sang châu Âu của Andrew diễn ra giữa tháng 8 năm 2016. Hơn 100 người di cư chen chúc trên 3 chiếc xuồng cao su bắt đầu hành trình vượt biển.
Có một điều mà những người di cư không được biết trước. Việc cố tình gặp nạn trên biển để được lực lượng chấp pháp châu Âu giải cứu và đưa lên bờ là một phần quan trọng trong kịch bản vượt Địa Trung Hải của những kẻ buôn người. Những người di cư bị đẩy vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng, rất nhiều người đã chết đuối trước khi được giải cứu.
Xuồng của Andrew đã lênh đênh 5 tiếng đồng hồ giữa trời nắng gắt, trôi vô định và chờ được giải cứu. Nhưng họ đã may mắn. Lực lượng bảo vệ bờ biển Italia đã xuất hiện và cứu tất cả những người trên xuồng cao su. Họ được chuyển lên tàu cứu hộ và đưa đến đảo Sicily, nơi đã tiếp nhận đến hơn 21.000 người di cư đến bằng đường biển chỉ trong tháng đó. Chỉ khi tới nơi, Andrew mới nhận ra đã là cuối tháng 8 năm 2016. Một chuyến đi được hứa hẹn sẽ không quá 3 tuần trên thực tế đã kéo dài suốt 9 tháng đầy sóng gió.
Giấc mơ châu Âu vỡ vụn
Sóng gió trên biển Địa Trung Hải cũng đang làm nổi lên những mâu thuẫn nội tại trong lòng châu Âu. Làn sóng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt trong những năm gần đây đã khiến các quốc gia EU bị động và lúng túng đối phó. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra khi trong số những người vượt biển, rất nhiều người đã thiệt mạng do đuối nước. Những người may mắn hơn thì sống vạ vật trong những trại tạm trú đông đúc, nghèo nàn tại Hy Lạp hoặc những nơi khác. Căng thẳng chính trị giữa 28 quốc gia thành viên của EU bị đẩy lên cao, với Italia và một số quốc gia khác đi theo đường lối chính sách chống nhập cư. Các quốc gia cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chia sẻ nghĩa vụ tiếp nhận những người mới đến.
195 người di cư trong một chiếc bè mong manh trên Địa Trung Hải vào tháng 1/2017. Ảnh: Reuters. |
Trong hơn hai năm qua, Andrew làm việc trong cửa hàng của người họ hàng, nơi anh bán đồ ăn châu Phi và được trả một khoản lương nhỏ mỗi tháng. Anh cũng nhận làm những việc vặt khi được thuê. Nhưng ý định làm giấy tờ để sang Đức không thể thực hiện, và Andrew gần như đang mắc kẹt tại Italia. Nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ lại.
Báo cáo của Liên hợp quốc nhận định, nguyên nhân chính khiến người di cư châu Phi vượt biên và bám trụ lại châu Âu vẫn là lý do kinh tế. Có khoảng một nửa số người tham gia khảo sát từng có việc làm cho biết họ không hài lòng với thu nhập của mình tại quê nhà. Tuy nhiên, việc làm và thu nhập cũng không phải những lý do duy nhất. Có 77% số người được hỏi cho rằng ở quê nhà họ không có tiếng nói, và 62% cho rằng họ được đối xử thiếu công bằng.
Dù đang phải chật vật gây dựng lại cuộc đời ở Italia, Andrew vẫn cho rằng mình nằm trong thiểu số may mắn. Với rất nhiều người di cư khác, đặc biệt là những người không có sẵn bạn bè người thân ở điểm đến, giấc mơ châu Âu nhanh chóng vụn vỡ sau khi họ đặt được chân lên châu lục này. Không có việc làm và thu nhập ổn định, người nhập cư châu Phi ở Italia dễ dàng bị lôi kéo vào những hoạt động phi pháp như mại dâm và buôn bán ma túy.
Dù cuộc sống hiện tại ở Italia không hẳn là tệ, nhưng Andrew vẫn cảm thấy đau buồn mỗi khi nhớ về trải nghiệm vượt biên của mình. “Thấy con người bị giết hại chẳng vì lý do gì, thấy họ phải chịu khổ đau chẳng vì lý do gì, đem mạng sống của mình ra đặt cược như vậy thì thật chẳng đáng”.
Andrew cho biết, thực ra việc người di cư bị đối xử tàn khốc không còn là điều mới mẻ, nhưng những lớp người di cư tiếp theo vẫn bị lóa mắt bởi thông tin về những chuyến vượt biên thành công. “Hạnh phúc lớn nhất của đời tôi sẽ là làm thế nào để tuyến đường buôn người đó bị đóng cửa vĩnh viễn”, Andrew nói.