“Các chợ truyền thống, nơi động vật sống được bắt giữ, giết mổ gây ra nguy cơ đặc biệt cho việc lây truyền mầm bệnh cho mọi người”, WHO tuyên bố, mặc dù thừa nhận vai trò của các khu chợ trong việc cung cấp sinh kế cho phần lớn dân số thế giới.
WHO cho biết hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là động vật hoang dã.
“Để giảm thiểu rủi ro này, một biện pháp khẩn cấp ngay lập tức đối với các cơ quan quản lý là đưa ra các quy định đóng cửa các khu chợ lưu giữ hoặc bán động vật hoang dã để giảm khả năng lây truyền mầm bệnh từ động vật sang người", cơ quan của Liên Hợp Quốc khuyến cáo.
Hướng dẫn tạm thời do WHO, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ban hành được đưa ra sau khi phái đoàn do WHO dẫn đầu đến Trung Quốc kết luận rằng "rất có khả năng" virus SARS-CoV-2 lây từ dơi sang người qua một vật chủ trung gian khác.
Hướng dẫn cho biết khu chợ bán buôn thực phẩm ở Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của thế giới, có thể là nguồn gốc của đợt bùng phát hoặc đã đóng vai trò ban đầu trong việc khuếch đại đợt bùng phát.
Tại Trung Quốc, việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã đã bị cấm từ tháng 2 năm ngoái. Nước này cũng tăng cường luật bảo vệ động vật hoang dã. Tháng 10 năm ngoái, một dự thảo được công bố trực tuyến để lấy ý kiến công chúng đã nêu ra các khoản phạt từ 2.000-10.000 nhân dân tệ cho hành vi ăn thịt động vật hoang dã.
WHO cho biết động vật hoang dã bị nhiễm bệnh có nguy cơ lây truyền trực tiếp sang người qua nước bọt, máu, nước tiểu, chất nhầy, phân hoặc các chất dịch cơ thể khác.