"Chúng tôi hiện đã tăng đánh giá về nguy cơ lây lan và ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên mức rất cao ở cấp độ toàn cầu", Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại buổi họp báo ở Geneva hôm nay. Ông cho rằng số ca nhiễm và số nước mới xuất hiện dịch gia tăng trong những ngày gần đây "rõ ràng rất đáng lo ngại".
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, cho biết "rất cao" là mức "đánh giá cao nhất về nguy cơ lây nhiễm và tác động" của dịch.
Tuy nhiên, Ryan cho hay WHO không định làm mọi người hoảng sợ. "Đây là sự kiểm tra thực tế đối với từng chính phủ trên hành tinh này: Hãy thức tỉnh. Hãy sẵn sàng. Virus này có thể đang trên đường tới và các bạn cần sẵn sàng. Các bạn có nghĩa vụ với công dân của mình, các bạn có nghĩa vụ với toàn thế giới", ông nói.
Ông Tedros cũng đưa ra trấn an tương tự. "Chúng tôi chưa thấy bằng chứng nào cho thấy virus đang lây lan tự do trong cộng đồng. Miễn là trường hợp đó vẫn chưa xảy ra, chúng ta vẫn có cơ hội kiểm soát virus này", người đứng đầu WHO nói, thêm rằng "chìa khoá để kiểm soát virus là phá vỡ chuỗi lây lan", khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
Michael Ryan cho rằng "thật vô nghĩa" khi hỏi liệu dịch bệnh có thể được coi là "đại dịch" hay không. Nếu WHO coi đây là đại dịch, "về cơ bản chúng ta sẽ chấp nhận rằng mọi người trên trái đất sẽ tiếp xúc với virus đó. Dữ liệu không cho thấy điều này", Ryan khẳng định.
"Kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là virus, đó là nỗi sợ hãi, tin đồn gây hoang mang và sự kỳ thị. Tài sản lớn nhất của chúng ta là sự thật, lý trí cùng tình đoàn kết", Tedros nói thêm.
Tổng giám đốc WHO cũng cho biết hơn 20 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu và một số phương pháp điều trị đã được thử nghiệm lâm sàng với kết quả dự kiến công bố "trong một vài tuần".
Hôm qua, ông Tedros cho rằng thế giới đang ở "thời khắc quyết định" khi dịch các ổ dịch xuất hiện tại Iran, Italy và Hàn Quốc đang lây lan mạnh. Ông cảnh báo tất cả các quốc gia đều phải chuẩn bị sẵn sàng cho các ca nhiễm nCoV đầu tiên. "Không một nước nào chủ quan rằng họ sẽ không có ca nhiễm bệnh. Đó có thể là sai lầm chết người. Virus này không có biên giới", người đứng đầu WHO khẳng định.
Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh Mexico và Azerbaijan ghi nhận các trường hợp đầu tiên dương tính với nCoV, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch Covid-19 lên 58.
Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết ca nhiễm nCoV đầu tiên của nước này là một thanh niên ở thủ đô. "Bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định. Anh ấy chỉ bị bệnh nhẹ, có triệu chứng giống cảm lạnh. Anh ấy còn rất trẻ, vì vậy mức độ nguy hiểm rất thấp", Lopez-Gatell nói.
Chính phủ Azerbaijan cùng ngày xác nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên tại nước này là một công dân Nga đến từ Iran. Giới chức y tế cho biết bệnh nhân đã được đưa vào khu cách ly và có tình trạng sức khỏe ổn định.
Với các ca nhiễm được ghi nhận ở Azerbaijan và Mexico, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 58 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 83.000 người nhiễm và hơn 2.800 trường hợp tử vong, sau khi khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12/2019.
WHO hôm 30/1 tuyên bố dịch Covid-19 là "tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế", nhưng cho rằng không có lý do ra lệnh cấm đi lại toàn cầu. Người đứng đầu tổ chức hôm 12/2 nói dịch đã trở thành mối đe doạ nghiêm trọng, kêu gọi đẩy nhanh quá trình tìm thuốc chữa trị và vaccine. Mười ngày sau ông cảnh báo cơ hội khống chế sự lây nhiễm của virus corona đang dần hẹp lại bởi sự gia tăng các ca nhiễm mới ngoài Trung Quốc. Ngày 26/2, WHO khẳng định lần đầu tiên có nhiều trường hợp nhiễm nCoV mới ở bên ngoài Trung Quốc hơn tại nước này, đánh dấu sự thay đổi trong diễn biến dịch.