Sáng kiến chung này nhằm mục đích tăng cường và đẩy nhanh phản ứng của các quốc gia châu Phi đối với virus gây bệnh đậu mùa khỉ, hỗ trợ những nỗ lực của các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, cũng như cứu chữa và bảo vệ mạng sống người dân. Sáng kiến sẽ bắt đầu vào tháng này và kéo dài đến tháng 2 năm sau, với ngân sách ước tính gần 600 triệu USD.
Kế hoạch được công bố ba tuần sau khi WHO tuyên bố sự lây lan của chủng đậu mùa khỉ mới là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tổng giám đốc của CDC châu Phi, Tiến sĩ Jean Kaseya, cho biết 55% số tiền nói trên sẽ được chuyển đến 14 quốc gia có các trường hợp đã đăng ký và tăng cường khả năng sẵn sàng ở 15 quốc gia khác. 45% còn lại sẽ được chuyển hướng cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động thông qua các đối tác. Tổ chức này không cho biết ai sẽ tài trợ cho sáng kiến này.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti cho biết: “Chúng tôi đã phân loại các quốc gia dựa trên mức độ rủi ro của họ, nơi có sự lây lan mạnh mẽ như đang xảy ra ở miền Đông CHDC Congo và những nơi khác đang có sự lây truyền”. Bà Moeti cũng cho biết: “Và sau đó là các quốc gia mà chúng tôi đang nỗ lực hết sức để xây dựng sự chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó trong trường hợp các ca bệnh xuất hiện, như đã xảy ra ở Guinea”. Tiến sĩ Kaseya cho biết kế hoạch tập trung vào giám sát, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và sự tham gia của cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh thực tế rằng vaccine không đủ để chống lại tình trạng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng.
CDC châu Phi cho biết, kể từ đầu năm 2024, đã có 5.549 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trên khắp lục địa, với 643 trường hợp tử vong. Con số này cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ về cả số ca nhiễm và số ca tử vong so với những năm trước. Các ca bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm 91% tổng số ca bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Congo và Burundi, quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ hai, là ở trẻ em dưới 15 tuổi.