World Cup nữ 2023: 'Hạnh phúc vì có mặt tại giải đấu'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Hành trình World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam đã khép lại bằng trận đấu với Hà Lan.
Tiền vệ Trần Thị Hải Linh (giữa) nỗ lực đi bóng trước sự cản phá của tiền vệ Hà Lan Jill Roord (trái) trong trận đấu. Ảnh: AFP/TTXVN
Tiền vệ Trần Thị Hải Linh (giữa) nỗ lực đi bóng trước sự cản phá của tiền vệ Hà Lan Jill Roord (trái) trong trận đấu. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển nữ Việt Nam, có mặt ở World Cup, lần đầu tiên quốc ca Việt Nam vang lên trên các khán đài World Cup, lần đầu tiên những lá cờ Tổ quốc tung bay trên các sân vận động World Cup.

Hơn một năm về trước, khi đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup nữ 2023, có một niềm vui lớn lao tràn ngập trong lòng người hâm mộ, nhưng ít ai có thể hình dung ra khung cảnh hiện tại. Ít ai tưởng tượng ra cảnh chừng một phút quốc ca Việt Nam được hát trên khán đài hào hùng và xúc động thế nào và những tiếng hô "Việt Nam, Hồ Chí Minh" ra sao.

Khát vọng lớn lao của huấn luyện viên Mai Đức Chung và các cầu thủ nữ Việt Nam là làm một điều kì diệu nào đó trong giải, một bàn thắng, thậm chí 1 điểm. Nhưng cuối cùng, nó đã không tới, dù trên thực tế, họ đã có những cơ hội khá hiếm hoi.

Chỉ cần một trong số đó thành bàn thắng, chỉ cần các cầu thủ có trong chân cơ hội ấy bình tĩnh hơn chút nữa, có cái đầu lạnh hơn chút nữa, lịch sử đã được viết ra. Nhưng không sao cả, nó sẽ được viết ra ở những lần khác. Trong phòng họp báo sau tất cả các trận đấu, các nhà báo quốc tế đều hỏi một câu gần như không đổi với huấn luyện viên Mai Đức Chung: "Đội tuyển nữ Việt Nam học được gì ở World Cup này?". Câu trả lời cũng gần như không đổi về ý, có chăng là trận sau trả lời dài và chi tiết hơn trận trước, cho thấy nhận thức là một quá trình, tích luỹ dần dần sau mỗi lần cọ xát để biết chúng ta là ai và đang ở đâu trên bản đồ bóng đá thế giới. Leo lên Fansipan, vô địch SEA Games, luôn khác với làm được điều gì đó ở World Cup, khó như leo Everest.

Đó là dù đã vô địch SEA Games nhiều lần, nhưng trình độ bóng đá nữ của Việt Nam còn thua xa thế giới. Sự thua kém ấy không phải chỉ nghĩ đến là thấy mà phải nhìn trên sân, trong các trận đấu cụ thể mới rất rõ. Đó là các đối thủ đều vượt trội chúng ta về thể hình và thể lực, chưa nói đến kinh nghiệm.

Đó là việc không thể tự mãn với việc có mặt ở World Cup đầu tiên này mà không phấn đấu thêm nữa. Đây mới chỉ là điểm khởi đầu, và có lẽ, để có được sức vóc như các đội tuyển ở World Cup này, cần rất nhiều thời gian và những thế hệ cầu thủ khác. 4 năm nữa là một World Cup khác, và từ giờ đến đó còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời: Liệu huấn luyện viên Mai Đức Chung có còn tiếp tục dẫn dắt đội tuyển, và nếu ông ra đi sau World Cup này, ai sẽ thay ông, và định hướng bóng đá nữ lúc đó sẽ thế nào?

World Cup này là một cú hích cho cả nền bóng đá, không chỉ bóng đá nữ, nhưng biến tác động tinh thần từ cú hích ấy thành hiện thực như thế nào? Giải vô địch nữ của chúng ta sẽ ra sao, hay vẫn "giản dị" như hiện tại?

Có rất nhiều câu hỏi cần trả lời. Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ về nhà và người hâm mộ vẫn sẽ luôn yêu mến họ. Điều còn lại cuối cùng sau khi chúng ta bừng tỉnh từ giấc mơ, là chúng ta đã ở đó, World Cup, lần đầu tiên.

Thật tự hào biết bao. Trong cuộc trò chuyện thân mật với các phóng viên báo chí trước trận đấu với Hà Lan, khi được hỏi về điều khiến ông cảm thấy hài lòng nhất, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn nói một câu đơn giản "có mặt ở đây không phải với tư cách khách mời". Đúng thế, không phải khách mời với tư cách VIP, bởi ông luôn được mời có mặt xem World Cup, mà là trên cương vị người lãnh đạo một liên đoàn có đội tuyển có mặt lần đầu tiên ở World Cup cùng với 31 đội tuyển khác. Đó là vinh dự của cá nhân ông, nhưng đó cũng là niềm tự hào của biết bao người hâm mộ bóng đá Việt Nam, khi Việt Nam là 1 trong 32 đội mạnh nhất có mặt ở sân chơi thế giới này.

Và tất cả khát khao có những lần tự hào như thế nữa trong tương lai. Để nói "hạnh phúc vì tiếp tục có mặt". Để tiếp tục hát vang quốc ca và vẫy những lá cờ đỏ sao vàng trên khán đài.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?