Xã hội thay đổi, giáo dục cũng phải đổi thay

[Ngày Nay] - Quá tải kiến thức, nội dung học đa phần là lý thuyết hàn lâm, thiếu giáo dục kỹ năng, giáo dục không phát triển tố chất của cá nhân mà tạo nên những con người “đồng phục”, giống nhau trên cùng một chương trình, một thang đánh giá... Hàng loạt những bất cập của giáo dục hiện hành đã buộc Trung ương Đảng phải ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Tăng cường nội dung học tập mà học sinh yêu thích.
Tăng cường nội dung học tập mà học sinh yêu thích.

Theo đó, bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai trên cả nước, bắt đầu từ lớp 1.

Giáo dục hiện hành: Nhiều tri thức nhưng không thiết thực

Đánh giá về chương trình giáo dục hiện hành, Giáo sư Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng chương trình quá hàn lâm, nặng ứng thí, nặng truyền thụ kiến thức, khiến cho việc học trở nên nặng nề với học sinh, nhất là việc luyện thi, học thêm tràn lan.

Chúng ta đã lãng phí thời gian, tiền của cho những việc làm không tạo ra năng lực thực sự, nhất là năng lực giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống của các em. GS.Đỗ Đức Thái

“Áp lực thi cử làm việc học toán trở nên nặng nề với tất cả học sinh, mà học xong, ngoài đi thi ra, không biết để làm gì cho cuộc sống. Chúng ta đã lãng phí thời gian, tiền của cho những việc làm không tạo ra năng lực thực sự, nhất là năng lực giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống của các em,” - GS Đỗ Đức Thái nhận định.

Cùng quan điểm này, theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, chương trình môn sinh học hiện hành quá hàn lâm, gần như đưa chương trình của giáo dục đại học xuống bậc phổ thông. Đây cũng là thực trạng của nhiều môn học khác như Toán, Ngữ văn, Vật lý... Trong khi giáo dục phổ thông phải là trang bị kiến thức cơ bản để người học có thể vận dụng trong cuộc sống thì chương trình lại dạy kiến thức cao siêu mang tính nghiên cứu chuyên ngành. Vì thế, học sinh có nhiều tri thức nhưng lại không có khả năng vận dụng tri thức vào thực tế cuộc sống, thi đạt kết quả cao nhưng kiến thức cũng mau chóng bị quên đi sau mỗi kỳ thi.

Xã hội thay đổi, giáo dục cũng phải đổi thay ảnh 1

Giáo dục hướng tới hoàn thiện con người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng thẳng thắn, học sinh Việt Nam tuy đạt kết quả cao so với quốc tế trong đánh giá PISA với kết quả giáo dục đại trà, đạt nhiều huy chương quốc tế trong giáo dục mũi nhọn, nhưng vẫn bị thế giới đánh giá thấp vì thiếu kỹ năng ứng dụng thực tế.

Bất cập, yếu kém của chương trình giáo dục hiện hành đã được Trung ương Đảng chỉ ra rất rõ trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận những bất cập, yếu kém trong giáo dục đã tồn tại nhiều năm, trong đó có những vấn đề kéo dài gây bức xúc trong xã hội. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thế giới và yêu cầu của đất nước, nếu không đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo thì nhân lực sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển quốc gia.

Chương trình giáo dục mới: Chuyển từ dạy chữ sang dạy người

Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu khắc phục những bất cập của chương trình hiện hành, tiệm cận nền giáo dục thế giới và đáp ứng yêu cầu nhân lực của đất nước trong giai đoạn mới. Chương trình mới sẽ được triển khai đại trà trên cả nước từ năm học 2020-2021 với lớp 1, từ năm học 2021-2022 với lớp 6 và từ năm học 2022-2023 với lớp 10.

Theo đó, chương trình được xây dựng nhằm chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực cho người học, chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ giáo dục truyền thụ kiến thức hiện nay sang hình thành phẩm chất và kỹ năng cho người học, từ nền giáo dục “đồng phục” sang giáo dục cá nhân hóa, hướng đến phát triển tối đa năng lực của mỗi cá nhân người học.

Xã hội thay đổi, giáo dục cũng phải đổi thay ảnh 2

Giảm gánh nặng thi cử.

Lần đầu tiên, giáo dục Việt Nam định hình rõ sản phẩm giáo dục phổ thông là con người có các phẩm chất, năng lực cụ thể. Trong đó, các phẩm chất chủ yếu gồm yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Giáo dục sẽ giúp người học hình thành 3 năng lực chung và 7 năng lực đặc thù. Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất. Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng những năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Từng phẩm chất, năng lực đều được cụ thể hóa thành từng biểu hiện, yêu cầu cụ thể mà học sinh cần đạt được qua từng môn, từng lớp, từng cấp học.

Giáo dục hướng đến sự mưu sinh của con người

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu như chương trình trước đây trả lời câu hỏi: “Học xong học sinh biết được những gì?” thì chương trình mới trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

Nhà trường phải khơi dậy tiềm năng của mỗi người, không thực hiện nền giáo dục đồng phục mà phải tạo ra môi trường học tập thân thiện, học sinh được chọn những nội dung học tập mà các em yêu thích, qua đó phát hiện năng lực của mình để rèn luyện và trưởng thành. Nhà trường phải dạy cho học sinh cách tôn trọng sự khác biệt của nhau, miễn là sự khác biệt đó không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật.

Để đạt mục tiêu đó, thứ nhất, chương trình phải xuất phát từ các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực mà chọn nội dung dạy học thiết thực cho học sinh. Thứ hai là phải tổ chức cho học sinh hoạt động để khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức. Vì thế, chương trình mới sẽ có thêm môn học mới là Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đưa môn học cần thiết cho tương lai học sinh thành môn bắt buộc ngay từ tiểu học như Tin học, Ngoại ngữ. Các môn giáo dục nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật... được tăng cường từ bậc tiểu học và lần đầu tiên được đưa vào chương trình trung học phổ thông.

Cùng với việc tăng cường các môn học cần thiết, chương trình cũng sẽ cắt giảm những nội dung hàn lâm, cao siêu; giảm số môn học bắt buộc và tăng số môn học tự chọn để phù hợp với định hướng phát triển theo năng lực cá nhân học sinh. Học sinh sẽ được chọn môn học ngay ở bậc tiểu học và càng ở cấp học cao hơn, số môn bắt buộc càng giảm, số môn tự chọn càng tăng. Ví dụ, ở bậc trung học phổ thông, học sinh sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc thay vì 13 môn như hiện nay, thay vào đó là các môn học, chuyên đề tự chọn.

Năm học 2019-2020 sẽ là năm học bản lề đổi mới của giáo dục Việt Nam. Chia sẻ một cách khái quát và thực tế về chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán, cho rằng, chương trình mới sẽ hướng đến sự mưu sinh của mỗi con người, giáo dục phải giúp người học biết tự tạo ra “cần câu cơm” cho bản thân mình, từ đó có nhu cầu phát triển tự thân để hoàn thiện mình và đóng góp vào sự phát triển của gia đình, xã hội và đất nước.

Chương trình mới sẽ hướng đến sự mưu sinh của mỗi con người, giáo dục phải giúp người học biết tự tạo ra “cần câu cơm” cho bản thân mình, từ đó có nhu cầu phát triển tự thân để hoàn thiện mình và đóng góp vào sự phát triển của gia đình, xã hội và đất nước.

TIN LIÊN QUAN
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.