Ngày 26/8, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban công tác đại biểu, xác nhận với VnExpress thông tin trên.
Theo ông Túy, thông qua báo chí và mạng xã hội, ông nhận được phản ánh về việc đại biểu Phạm Phú Quốc (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) có hai quốc tịch, bao gồm quốc tịch VN và Cộng hòa Síp (Cyprus), nên đã chỉ đạo "xác minh thông tin".
Ban công tác đại biểu có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội các vấn đề liên quan về nhân sự, vì vậy, khi đại biểu nào đó thay đổi về lý lịch thì phải báo cáo với cơ quan này. Tuy nhiên, đến nay Ban công tác đại biểu chưa nhận được báo cáo của đại biểu Phạm Phú Quốc về vấn đề quốc tịch.
Ông Túy nói vấn đề nêu trên sẽ được xác minh, xử lý theo quy trình. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ "có hay không" việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc sở hữu hai hộ chiếu, bao gồm hộ chiếu nước ngoài; sở hữu hộ chiếu thứ hai vào thời gian nào.
Sau đó, trên cơ sở xác minh, Ban Công tác đại biểu sẽ làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM. Ở đây, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM là tổ chức của các đại biểu được bầu trên địa bàn, có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của đại biểu. Còn MTTQ TP HCM là cơ quan hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, năm 2016.
Hồ sơ sự việc gồm kết quả xác minh và ý kiến của các tổ chức liên quan sẽ được trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.
"Thường vụ Quốc hội đợi báo cáo của Ban công tác đại biểu và sẽ xem xét theo quy định", ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói.
Nhìn nhận sự việc, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phân tích "theo thông tin trên báo chí, năm 2016 khi ông Phạm Phú Quốc ứng cử vào Quốc hội, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam".
"Ông Quốc trả lời báo chí là đến năm 2018, ông mới có hai quốc tịch. Lúc đó Luật tổ chức Quốc hội chưa được sửa đổi và chưa bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu. Nhưng theo quan điểm của tôi, đại biểu Quốc hội chỉ nên có một quốc tịch vì anh là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước", ông Hòa nói và thông tin thêm, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật cũng như xem xét sự việc cụ thể liên quan đến đại biểu.
Đến tháng 6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội đã quy định đại biểu chỉ được "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Tuy nhiên, Luật này đến đầu năm 2021 mới có hiệu lực. "Vấn đề ở đây là đại biểu Phạm Phú Quốc có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức. Bất cứ ai ở tư cách là cán bộ nhà nước và đại biểu Quốc hội, khi thay đổi lý lịch cũng như sở hữu hộ chiếu thứ hai đều phải giải trình", ông Hòa nêu quan điểm.
Hôm qua 25/8, trả lời báo Tuổi trẻ, đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018 nhưng "do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông "mua" quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera".
Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.
Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.
Ngày 4/12, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Lúc đó đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia thông tin, bà Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam. "Căn cứ vào Luật Quốc tịch thì Nhà nước chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Bà Nguyệt Hường là công dân Việt Nam, lại đăng ký thêm một quốc tịch nước ngoài nữa, có hai quốc tịch là vi phạm quy định", vị này nói.