Cây gạo còn có tên gọi khác Mộc Miên hay Hồng Miên. Hoa gạo có màu đỏ, thường nở vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Trong ảnh, hàng cây hoa gạo nở rộ tại cửa Hà - sông Mã (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa).
Điểm đặc biệt, loài cây này hiện được trồng rộng rãi ở các bang của Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc... Tại Việt Nam, hoa gạo mọc rải rác ở khắp các vùng quê của miền Bắc như Hà Nam, Nam Định... và một số tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lào Cai.
Dân gian thường có câu "Ma cây gạo, cú cáo cây đề", nhưng vẻ đẹp của hoa gạo khiến người ta quên hết nỗi sợ đó.
Cây gạo đỏ rực bên những ngọn núi cao sừng sững ở huyện Quản Bạ (Hà Giang). Vào đầu tháng 4, đi dọc quốc lộ 4B qua các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn... hình ảnh hoa gạo nở bên lưng chừng núi đá xuất hiện rất nhiều.
Hoa gạo nở là lúc những đợt rét cuối cùng của mùa đông sắp qua, mùa hè sắp đến. Hoa gạo đỏ rực rỡ, chính vì thế thường gắn với những bài thơ, bài ca rất nhiều nỗi niềm.
Hoa nở đỏ rực như xua tan đi sự ảm đạm của những ngày cuối mùa xuân. Tạo nên những mảng màu ấn tượng và ấm áp.
Ven sông Mã, sông Chu trên địa phận tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều cây gạo. Hoa gạo nở thắm đỏ bên triền sông hoặc cạnh các vách núi.
Trước kia ở vùng ven đô hay trung tâm Hà Nội, cây gạo được trồng rất nhiều. Thời điểm hiện tại, số lượng cây giảm sút, rất khó để tìm thấy cây gạo cổ thụ, đồng nghĩa với việc khó cho giới nhiếp ảnh có những bức ảnh đẹp.
Tại chùa Thầy (Hà Nội) có một gốc gạo nở đỏ rực bên cạnh thủy đình, nơi tổ chức lễ hội chùa Thầy nổi tiếng dịp đầu tháng 4 hàng năm.
Sở dĩ, cây hoa gạo ở thành phố bị chặt nhiều bởi đô thị đất chật và hoa rụng nhiều cùng lúc, không thích hợp khi đường đông người qua lại. Trước cổng nhiều trường học, các khu tưởng niệm có rất nhiều cây hoa gạo. Trong ký ức nhiều người xa quê, ngoài hình ảnh thân quen về ngôi nhà lợp ngói, giếng nước còn có thêm những bông hoa đỏ rực.
Nhiều nhà thơ đã ví hoa gạo như hòn than đỏ rực, như ngọn lửa trên trời.
Theo Dân Việt