Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh

(Ngày Nay) - Ý tưởng về việc lập hồ sơ để khu danh thắng, di sản đặc biệt cấp quốc gia Yên Tử trở thành di sản thế giới đã có từ lâu, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, nên cho đến nay mới chính thức được khởi động lại. 
Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh

Với lợi thế là một địa điểm thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều tầng lớp văn hoá và đặc biệt được xem là cái nôi của nền Phật giáo Việt Nam, việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên, văn hoá của nhân loại cho Yên Tử là một việc được đánh giá là vô cùng xứng đáng.

Tái khởi động kế hoạch 

Không phải cho đến thời điểm hiện tại kế hoạch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên tử là di sản thế giới mới được công bố, mà việc này đã xuất hiện từ gần 10 năm về trước. Với tỉnh Quảng Ninh, việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Yên tử di sản thế giới là một nhiệm vụ mà chính quyền cũng như nhân dân địa phương này vô cùng quan tâm.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, mà có thể dễ nhận thấy là đặc thù của quần thể Yên Tử là nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Ninh – Hải Dương – Bắc Giang nên việc lên kế hoạch, xây dựng hồ sơ nhiều lúc đã bị ách tắc lại bởi những lý do… ngoài mong muốn.

Đại diện Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết, với những giá trị đặc biệt quan trọng của Yên Tử, sau khi khảo sát khoanh vùng di tích, Nhà nước đã có Quyết định số 15/VH-QĐ ngày 13/3/1974 công nhận Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử là di tích quốc gia.

Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh ảnh 1

Yên Tử là một trong những di tích đặc biệt cấp Quốc gia 

Sau đó, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt. Ở góc độ Phật giáo, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 11/1992 công nhận Yên Tử là Trung tâm Phật giáo của Việt Nam. 

Đến năm 2012, UBND tỉnh đã có thông báo giao Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh chủ trì lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín để thảo luận vấn đề này.

Đến năm 2014, website của Trung tâm Di sản thế giới đã chính thức đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Từ năm 2015 cho đến nay, Sở Văn hoá-Thể thao kết hợp cùng với đơn vị quản lý, vận hành khu danh thắng Yên Tử đã tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học, nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu để chuẩn bị cho các công việc trong quá trình xây dựng hồ sơ.

Vấn đề then chốt nằm ở việc, khu danh thắng Yên Tử còn gắn liền với khu di tích Tây Yên Tử (thuộc tỉnh Bắc Giang) và nằm trong chuỗi danh thắng thiên nhiên, văn hoá với du di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), chính vì lý do này nên việc xây dựng hồ sơ phải có sự thống nhất về mọi mặt giữa ba tỉnh từ đó mới có thể triển khai được những công việc trong quá trình xây dựng hồ sơ.

Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh ảnh 2

Quần thể Tây Yên Tử là một nơi núi non hùng vĩ, mang nhiều lớp lang về văn hoá, tín ngưỡng 

Chính vì vấn đề này mà ngay từ khi xuất phát ý tưởng lập hồ sơ đệ trình thì những nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hoá đã xây dựng kế hoạch về việc Yên Tử sẽ là một di sản liên tỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Để có thể làm được điều này, cả ba tỉnh là Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang phải cùng đưa ra một kế hoạch chung để có thể thống nhất về mọi mặt trong quá trình xây dựng hồ sơ dưới sự chủ trì của Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch cùng với sự đồng thuận của Chính phủ.

Sau nhiều năm kế hoạch bị lùi lại bởi các yếu tố khách quan, đến đầu tháng 7/2020, lãnh đạo sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch của ba tỉnh đã ngồi lại và thống nhất kế hoạch về việc cùng xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên tử là di sản thế giới. Kết quả của buổi làm việc giữa lãnh đạo ba địa phương này cùng nhất trí về việc sẽ tham mưu cho lãnh đạo 3 tỉnh thành lập mới Ban Chỉ đạo lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; thành lập Tổ giúp việc xây dựng hồ sơ dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, đồng thời dự kiến lộ trình, thời gian xây dựng hồ sơ.

Kế hoạch cụ thể sẽ là, năm 2020 hoàn thành tóm tắt hồ sơ và đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản UNESCO. Trong thời gian sớm nhất có thể thực hiện các công việc chuyên môn liên quan đến hồ sơ di sản, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện bảo vệ hồ sơ tiếng Việt tại Hội đồng Di sản Quốc gia; chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, thông qua Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xin phép nộp hồ sơ lên UNESCO; hoàn thiện, trình hồ sơ bằng tiếng Anh lên UNESCO Paris. Năm 2021 - 2022 trình hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện (tiếng Anh) đến UNESCO Paris; đón chuyên gia ICOMOS/IUCN đến Việt Nam để thẩm định hồ sơ và có ý kiến cụ thể đối với hồ sơ; Ban Chỉ đạo giải trình, bổ sung hồ sơ sau thẩm định của chuyên gia ICOMOS/IUCN, tiếp tục hoàn thiện các giải trình/bổ sung, phản biện lại các báo cáo thẩm định của chuyên gia ICOMOS/IUCN. Dự kiến có thể thực hiện bảo vệ hồ sơ tại kỳ họp của Hội đồng Di sản Thế giới của UNESCO vào đầu năm 2023.

Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh ảnh 3

Quang cảnh buổi họp ngành văn hoá của 3 tỉnh Quảng Ninh-Hải Dương- Bắc Giang 

Hợp sức để tránh tiền lệ

Có thể nói, không phải đến khi lập ý tưởng Yên Tử trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam, trước đây đã có một vài địa phương đệ trình danh thắng của mình lập hồ sơ trình UNESCO. Dưới sự tư vấn của các đoàn chuyên gia rất có thể sẽ trở thành di sản thế giới liên tỉnh nhưng sau đó việc này đã thất bại do không tìm được sự đồng thuận giữa các địa phương cũng như vướng mắc ở một số vấn đề cả chủ quan lẫn khách quan.

Ví dụ điển hình như trường hợp cách đây nhiều năm, tỉnh Thanh Hoá có ý tưởng về việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận cho hang Con Moong (thuộc huyện Thạch Thành) trở thành di sản thiên nhiên thế giới. Tỉnh Thanh Hoá sau đó đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện các công việc liên quan trong đó có thành lập cả một Hội đồng tư vấn để cùng thực hiện việc xây dựng hồ sơ. 

Trong quá trình nghiên cứu, Hội đồng tư vấn nhận thấy, khu danh thắng hang Con Moong có địa hình tự nhiên gần với khu rừng Quốc gia Cúc Phương (thuộc tỉnh Ninh Bình) và cả hai khu này đều nằm trong chuỗi quần thể thiên nhiên phía tây nên gộp vào cùng làm một để xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Tuy nhiên, ý kiến tư vấn này sau đó đã vướng vào nhiều vấn đề khó khăn rồi từ đó ý tưởng xin danh hiệu cấp thế giới đối với hang Con Moong cũng dần chìm lắng và rồi đến giờ thì không ai nhắc đến nữa.

Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh ảnh 4

Hang Con Moong cũng từng có kế hoạch xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận hạng thế giới nhưng sau đó việc đã chìm lắng vì nhiều yếu tố khác nhau 

Hay như chuyện vào thời điểm Quảng Ninh xây dựng hồ sơ ứng thí trước UNESCO cho Vịnh Hạ Long vào năm 2014, ý tưởng ban đầu là gộp cả khu đảo Cát Bà (thuộc TP Hải Phòng) vào để đệ trình hồ sơ nhưng việc này đã thất bại. Ý tưởng gộp Cát Bà vào quần thể Vịnh Hạ Long xuất phát từ việc, về cấu tạo địa chất, Cát Bà là một phần của vịnh Hạ Long.

Trong khi đó, Cát Bà đã từng thuộc về tỉnh Quảng Ninh (cũ) cho tới khi được cắt sang Hải Phòng vào năm 1956. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vướng vào việc ý kiến trái chiều và để không làm ảnh hưởng tới công việc chung, Cát Bà đã được tách ra còn Vịnh Hạ Long sau đó được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Đứng trước việc Yên Tử sẽ trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, hiện tại ngành văn hoá của ba tỉnh Quảng Ninh-Hải Dương-Bắc Giang cùng thống nhất về việc sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cùng thành lập ra một Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát và thực hiện việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Ban chỉ đạo sẽ là đầu mối cho toàn bộ các công việc trong việc xây dựng hồ sơ này. Trong khi đó, ngành văn hoá của cả ba địa phương sẽ cùng phải chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu liên quan đến danh thắng thiên nhiên, di tích lịch sử-văn hoá để phục vụ cho công tác xây dựng bộ hồ sơ tổng thể.

Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh ảnh 5

Đảo Cát Bà không nằm trong quần thể di sản thế giới Vịnh Hạ Long là một điều hết sức đáng tiếc?

Phía  Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết, ý tưởng về về việc 3 tỉnh cùng phối hợp xây dựng hồ sơ trình UNESCO đã có từ lâu. Vào năm 2015, Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ khoa học, thời gian tới sẽ thành lập tổ chuyên môn tư vấn giúp việc cho Ban chỉ đạo để hoàn thành các phần việc theo đúng tiến độ. Về xác định ranh giới di sản đề cử. Toàn bộ công việc sau đó đều có sự phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để triển khai.

Đối với thời điểm hiện tại, việc khu du tích Côn Sơn-Kiếp Bạc sẽ nằm trong quần thể danh thắng Yên Tử để đệ trình UNESCO công nhân là di sản thế giới thì tỉnh Hải Dương sẽ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tư liệu về thiên nhiên, văn hoá, di tích nơi đây… Trong suốt những năm qua, tỉnh Hải Dương cũng đã có những nghiên cứu hết sức sâu sắc và toàn diện về khu danh thắng Côn Sơn-Kiếp Bạc nên việc phối hợp cùng xây dựng hồ sơ sẽ có những lợi thế nhất định. 

Xây dựng hồ sơ Yên Tử là di sản UNESCO: cần hợp sức, đồng lòng của ba tỉnh ảnh 6

Côn Sơn-Kiếp Bạc là khu danh thắng nổi tiếng của tỉnh Hải Dương và gắn liền chặt chẽ với quần thể Yên Tử 

Đối với tỉnh Bắc Giang, do quần thể Tây Yên Tử gắn liền chặt chẽ với khu Yên Tử lõi nên việc phối hợp với Quảng Ninh xây dựng hồ sơ đã có ý tưởng cũng như sự chỉ đạo từ lâu. Vào năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang lập hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử", trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Thế giới. Từ đó cho đến nay, tỉnh Bắc Giang nói chung và ngành Văn hoá của địa phương này nói riêng đã triển khai được nhiều công việc liên quan đến việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO.

Với việc có sự đồng thuận cao của ba địa phương sau cuộc họp vào đầu tháng 7/2020 vừa qua, phía Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Tây Yên Tử không chỉ là quần thể thiên nhiên hùng vĩ mà còn chứa đựng nhiều lớp lang về văn hoá và có nhiều dấu tích của Phật giáo Việt Nam.

Vào năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng đã được ghi danh vào Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO tổ chức… Hiện tại, ngành văn hoá của tỉnh Bắc Giang đã tham mưu và có những kế hoạch cụ thể trong việc cùng với Quảng Ninh và Hải Dương xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.