Các nhà khoa học Trung Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ cùng nhiều nước đã tập trung tại hang Shuanghe - hang động được biết đến là dài nhất châu Á, ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, để tham dự buổi lễ công bố cuộc thám hiểm khoa học quốc tế lần thứ 23.
Theo kế hoạch, cuộc thám hiểm hang Shuanghe, diễn ra từ ngày 7-24/10, sau đó các nhà khoa học sẽ công bố kết quả vào ngày 24/10.
Các cuộc thám hiểm khoa học trước đó đã tìm thấy 44 hóa thạch gấu trúc khổng lồ riêng lẻ, với mẫu vật cổ nhất có niên đại 100.000 năm và mẫu gần đây nhất có niên đại vài trăm năm.
Các hóa thạch chứng minh rằng Quý Châu từng là môi trường sống của loài gấu trúc khổng lồ - vốn hiện sống ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc.
Các nhà khoa học Trung Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ cùng nhiều nước đã tập trung tại hang Shuanghe để tham dự buổi lễ công bố cuộc thám hiểm khoa học quốc tế lần thứ 23. |
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Hang động Quý Châu Zhou Wenlong cho biết chuyến thám hiểm hang động tới đây sẽ nghiên cứu sâu hơn về tài nguyên, sự hình thành và tiến hóa của hang động.
Theo kết quả của cuộc thám hiểm chung năm 2023, hang Shuanghe có chiều dài 409,9km. Đây là hang động dài nhất ở châu Á và dài thứ 3 trên thế giới. Đây cũng là hang động dolomite (một loại đá trầm tích carbonate) dài nhất thế giới.
Nhà thám hiểm hang động người Pháp Jean Bottazzi, có hơn 30 năm kinh nghiệm thám hiểm hang động ở Trung Quốc, là trưởng nhóm nghiên cứu sắp tới.