Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng – Kỳ 1: Ký hợp đồng không đúng quy định

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP.HCM không có nguồn vốn để hoàn thành công trình, chưa xác định rõ thẩm quyền, chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng nhưng đã được triển khai nhiều năm trước, đến nay vẫn còn dang dở, lãng phí nguồn lực.
Cống Phú Xuân hiện tại đã hoàn thiện trụ T1, T2, dầm van và lắp đặt cửa van.
Cống Phú Xuân hiện tại đã hoàn thiện trụ T1, T2, dầm van và lắp đặt cửa van.

Từ năm 2000 đến nay, TP.HCM đã có 2 Quy hoạch tổng thể với rất nhiều dự án quy mô lớn nhỏ khác nhau để giải quyết tình trạng ngập là Quy hoạch 752 và 1574.

Trong đó, Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM (Quy hoạch 1547) được Thủ tướng phê duyệt năm 2008 với tổng diện tích thực hiện là 968.500ha. Dự kiến tổng mức đầu tư là 11.531 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn một là 10.080 tỷ đồng và giai đoạn hai là 1.451 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là ngân sách nhà nước hàng năm, gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA.

Quy hoạch này sẽ triển khai xây dựng các cống lớn tại Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ và các cống nhỏ tại các rạch khác; xây dựng tuyến đê bao nối các cống; nạo vét các kênh trục thoát nước trung tâm thành phố về phía Nam. Tiếp đó xây dựng hai cống lớn tại Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ tại các rạch khác nối liền tiểu dự án hệ thống bờ hữu sông Sài Gòn; nạo vét các tuyến kênh trục Bắc - Nam. Sau cùng là khép kín toàn bộ hệ thống kiểm soát mực nước bằng các cống lớn khác và hoàn chỉnh tuyến đê bao.

Trước những thay đổi bất thường của điều kiện tự nhiên, quá trình đô thị hoá và gia tăng dân số, tình trạng ngập ở TP.HCM có chiều hướng ngày càng tăng và khó lường nên chủ trương thực hiện các giải pháp xoá ngập, giảm ngập là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án và hiệu quả mang lại chưa đạt được kết quả so với những gì đã đầu tư, điển hình như Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng đến nay đã triển khai 8 năm vẫn chưa hoàn thành.

Thi công gần xong rồi… chờ!

Tháng 9/2024, UBND TP.HCM đã có công văn số 5843/UBND-DA gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc Báo cáo phương án giải quyết vướng mắc trong thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Nhà đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam; Doanh nghiệp dự án: Công ty TNHH Trung Nam BT 1547; Nhà thầu lập thiết kế và dự toán xây dựng: Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Vina Mekong, Viện khoa học Thủy Lợi Miền Nam, Viện Thủy Công, Viện Thủy Lợi và Môi trường.

Dự án được đầu tư theo hình thức “Đối tác công tư – (PPP)”. Loại hợp đồng là Xây dựng – Chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách Thành phố. Theo Hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam, dự án sẽ xây dựng trong 36 tháng, khởi công ngày 26/6/2016 và dự kiến hoàn thành ngày 26/6/2019. Tuy nhiên, cuối tháng 4/2018, khi dự án đạt khoảng 75% khối lượng thì bất ngờ dừng thi công.

Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng – Kỳ 1: Ký hợp đồng không đúng quy định ảnh 1

Cống Tân Thuận cũng đã thành hình, khoảng 10 công nhân đang thi công hoàn thiện với tốc độ cầm chừng các hạng mục.

Gần 10 tháng sau, ngày 12/2/2019, dự án được tái khởi động nhưng lúc này thời gian dự kiến hoàn thành lùi sang tháng 6/2020. Đến tháng 11/2020, khi dự án đã hoàn thành khoảng 90%, Tập đoàn Trung Nam tiếp tục có thông báo ngừng thi công do UBND TP.HCM chưa ký hợp đồng phụ lục thời gian hoàn thành. Và đến nay, dự án đã trễ hạn 5 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Dự án được triển khai với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, nhằm chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị. Hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường, góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.

Dự án có quy mô xây dựng 6 Cống kiểm soát triều lớn, bề rộng cống từ 40 - 160m; cao trình đáy cống từ -3.60 - -10.00m và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh (Giai đoạn 1) bao gồm khoảng 6,004 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 43 cống nhỏ có khẩu độ từ 1,0 m - 10,0 m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống Scada.

Tổng mức đầu tư 9.976.823.154.000 đồng, phương án thanh toán Hợp đồng BT. Theo hợp đồng BT và các phụ lục hợp đồng đã ký kết, Thành phố thanh toán cho Nhà đầu tư bằng quỹ đất tương đương 16% giá trị quyết toán dự án (khoảng 1.588 tỷ đồng). Các quỹ đất thanh toán: Lô C8A, Khu A, Khu Đô thị mới Nam Thành phố (Phường Tân Phú, Quận 7, tương đương 5.500m2), Khu đất số 232 Đỗ Xuân Hợp (Phường Phước Long A, Thành phố Thủ Đức, tương đương 17.573,5m2), 762 Bình Quới (Phường 27, Quận Bình Thạnh, tương đương 4.298m2).

Phần thanh toán bằng tiền tương đương 84% giá trị quyết toán dự án (khoảng 8.380 tỷ đồng). Thời gian thanh toán bằng tiền đến tháng 5/2026, thời gian ân hạn 03 năm. Mức lãi suất 3%/năm (trong đó lãi suất tái cấp vốn 2%, chi phí quản lý 1%).

Đến nay, dự án đã triển khai thi công đạt hơn 90% khối lượng công việc. Trong đó, tại các hạng mục cống Bến Nghé (đạt 97%), cống Tân Thuận (đạt 93%), cống Phú Xuân (đạt 90%), cống Mương Chuối (đạt 93%), cống Cây Khô (đạt 86%), cống Phú Định (đạt 88%), tuyến đê bao (đạt 85%).

Theo Báo cáo của Nhà đầu tư vào ngày 28/11/2023, lũy kế giá trị giải ngân để thực hiện dự án đến thời điểm báo cáo là 8.276.052 triệu đồng/9.976.000 triệu đồng. Trong đó, giải ngân từ nguồn vốn vay 7.094.547 triệu đồng và vốn tự có 1.181.505 triệu đồng. Nhà đầu tư báo cáo nguồn vốn còn lại cần huy động để thi công hoàn thành công trình là khoảng 1.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV) vào ngày 26/5/2023, Ngân hàng BIDV đã phải thu xếp nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số tiền 3.560 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án, UBND TP.HCM đã có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ 02 phương án huy động vốn để thi công hoàn thành công trình. Ngày 06/9/2023, Thường trực Chính phủ có kết luận chỉ đạo giao UBND TP.HCM cần khẩn trương thực hiện và báo cáo đánh giá cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ đã được giao.

“Vướng” ở đâu và “mắc” thế nào?

Ngày 25/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về thành lập Tổ Công tác để chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án (gọi tắt là Tổ Công tác Chính phủ). Ngày 05/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (Tổ trưởng Tổ Côn tác) đề nghị Thành phố nghiên cứu 02 phương án để đề xuất tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án;

Đồng thời, đối với vướng mắc về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án, UBND TP.HCM báo cáo Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM có chủ trương giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ để tiếp tục thực hiện dự án vì việc này thuộc thẩm quyền của Thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Ban cán sự đảng UBND TP.HCM đã có tờ trình báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM liên quan đến kết quả làm việc Tổ Công tác của Chính phủ về dự án.

Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng – Kỳ 1: Ký hợp đồng không đúng quy định ảnh 2

Cống Phú Định từng bị người dân 2 bên bờ phản ánh tình trạng thi công gây nứt, hư hại nhà cửa.

Ngày 17/11/2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có kết luận về báo cáo kết quả làm việc Tổ Công tác của Chính phủ về dự án. Thực hiện kết luận chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 24/11/2023, UBND TP.HCM có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng BIDV và công văn báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan dự án.

Ngày 15/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn liên quan đến ý kiến về trường hợp các bên điều chỉnh, ký kết Hợp đồng BT, Hợp đồng tín dụng trên cơ sở một số nội dung liên quan tại các hợp đồng này. Theo đề nghị của Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, tổ chức có liên quan xem xét điều chỉnh quyết định tái cấp vốn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có cơ sở để chuyển cho Ngân hàng BIDV số tiền tái cấp vốn đã thu nợ khoảng 3.560 tỷ đồng. Ngày 02/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có công văn giao Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì làm việc với các Bộ - Ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng BIDV để thống nhất phương án, bảo đảm khả thi, báo cáo Tổ Công tác Chính phủ.

Ngày 08/01/2024, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có kết luận về thống nhất tiếp tục thực hiện Phương án 2 theo ý kiến chỉ đạo tại kết luận ngày 04/8/2023. Theo đó, giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố khẩn trương rà soát lại tất cả pháp lý về trách nhiệm, thẩm quyền của Thành phố đã triển khai thực hiện theo kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ, tiếp tục báo cáo đầy đủ, xin ý kiến Chính phủ, Thường trực Chính phủ theo Phương án 2.

Ngày 25/5/2024, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức họp về Phương án giải quyết vướng mắc cho dự án theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố tại tờ trình ngày 09/5/2024 và có kết luận ngày 31/5/2024 về phương án giải quyết vướng mắc liên quan dự án.

Ngày 03/6/2024, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Tổ Công tác Chính phủ về đề xuất ban hành Nghị quyết của Chính phủ để giải quyết vướng mắc liên quan dự án. Ngày 09/8/2024, Tổ Công tác Chính phủ đã họp, kết luận tại thông báo số 370/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, đến nay, dự án còn tồn tại các khó khăn vướng mắc cụ thể như: Không có nguồn vốn để hoàn thành công trình; Chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; Chưa có cơ sở thanh toán Hợp đồng BT.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khi thảo luận tổ tại Quốc hội, chiều 26/10:

"Tôi và nhiều người rất quan tâm, bức xúc về vấn đề lãng phí. Có những dự án nhìn thấy được, nhưng dân hỏi không trả lời được, như đất vàng để hàng chục năm trời cho cỏ mọc, phải có ai chịu trách nhiệm chứ, nếu không làm được thì thu hồi".

“Dự án chống ngập lụt tại TP.HCM trị giá 10.000 tỷ đồng trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước đã bỏ ra nhưng người dân thành phố vẫn phải chịu cảnh ngập lụt. Phải làm thế nào chứ để mãi như vậy là vi phạm, dù không tham ô tham nhũng cũng là tội lãng phí".

Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng – Kỳ 2: Dự án được “xé rào” để triển khai?

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?