Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Việc biết rõ mình thích học gì, làm nghề gì ngay từ trước khi chọn cánh cổng trường đại học, cao đẳng không thể là bảo chứng cho một sự nghiệp trải đầy hoa hồng. Nỗ lực chăm chỉ và tràn đầy đam mê cũng chưa chắc đưa bạn đến thành công. Điều gì khiến chúng ta sống được với nghề?
Hoàng Văn Tài hiện đang là họa sĩ truyện tranh, họa sĩ minh họa tại Rover Studio.
Hoàng Văn Tài hiện đang là họa sĩ truyện tranh, họa sĩ minh họa tại Rover Studio.

Dòng chảy ngầm bất tận

Cuối năm 2021, theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, mỗi năm cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành.

Khảo sát năm 2022 của phóng viên Tạp chí Ngày Nay về thực trạng chọn ngành học tiến hành với 465 sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho thấy có 278 sinh viên (59,8%) cho biết đang không học đúng ngành mong muốn. Các lý do bao gồm: “Điểm thi đại học không đủ để đỗ ngành mong muốn” (52,9%); “Lựa chọn sai lầm, khi học mới biết ngành không phù hợp” (26,6%); “Theo định hướng của gia đình” (18,7%); và “Ảnh hưởng bởi lời khuyên của bạn bè” (1,8%). Điểm chung của những sinh viên này là chưa thực sự tìm được cách “đối thoại” với bản thân, hiểu rõ điểm mạnh - yếu, hiểu được đam mê của chính mình. Hệ quả là trong số những sinh viên học sai ngành mong muốn, 62,2% cho biết sẽ không làm công việc liên quan đến ngành học sau khi tốt nghiệp.

Thực trạng này không mới và cũng không phải đặc thù chỉ ở Việt Nam. Trước đó, năm 2015, trang thống kê nghề nghiệp hàng đầu Allaboutcareers.com từng hé lộ 44% sinh viên chưa tốt nghiệp (trong số 37.000 sinh viên cao đẳng và đại học tham gia khảo sát) không thể xác định được ngành mà họ muốn làm việc sau này. Những con số biết nói này phản ánh một xu hướng chưa có nhiều chuyển biến đáng kể trong suốt thời gian dài.

Đối thoại với bản thân

Lê Anh Tú (1999, hiện đang theo học Thạc sĩ Tâm lý tại Middlesex University London, Anh Quốc) cho biết cậu từng định thi ngành Luật hoặc Ngôn ngữ Anh vì cảm thấy phù hợp với tính cách và khả năng học của mình, trong khi đó điểm của cậu đủ để được tuyển thẳng vào Khoa Tâm lý – Giáo dục học, Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong lúc phân vân giữa vô số lời khuyên, Tú đã gặp được bước ngoặt khi quyết định tham dự buổi định hướng nghề nghiệp. “Người hướng nghiệp giải mã sinh trắc vân tay, phân tích những điểm mạnh - yếu trong tính cách và bộ gen của mình. Bám vào nhận định của họ, mình đánh giá tổng quan lại những ngành mình dự tính lựa chọn và cuối cùng thấy Tâm lý có vẻ là một hướng đi đúng”, Anh Tú kể.

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 1

Để chắc chắn hơn, Anh Tú quyết định đặt một buổi tham vấn với chuyên gia tâm lý để tìm hiểu về nghề một cách khách quan dưới góc độ của người tiếp nhận. “Buổi tham vấn diễn ra thú vị hơn mình tưởng, dường như đã đặt một nền tảng để mình cảm thấy yêu thích ngành này. Có khả năng học, lại có niềm yêu thích với nghề, thì bản thân sẽ có thêm động lực học tập và nhìn rõ con đường mình muốn đi hơn”, Tú chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam, Tú lên đường sang Anh để học cao hơn, với mục tiêu gần là đem về bằng giỏi, và mục tiêu xa là có thể trở thành chuyên gia, tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội giới trẻ, đặc biệt trong bối cảnh trầm cảm đang trở thành một vấn đề đáng báo động trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 2

Anh Tú tại triển lãm Trải nghiệm nhập vai thực tế ảo London: Bước vào tranh của Van Gogh.

Với Khang Nguyễn (1990), Mỹ Hạnh (1992) và Hoàng Văn Tài (1998), định hướng học tập và nghề nghiệp của cả ba bắt đầu từ những sở thích gắn liền trong đời sống, trong đó Mỹ Hạnh theo học ngành Back Dancer (Vũ công phụ họa), trường Tokyo School of Music & Dance (TSM) năm 2016, Khang Nguyễn theo ngành Công nghệ âm nhạc tại TSM năm 2017, còn Hoàng Văn Tài theo học khoa Thiết kế đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (ĐH MTCN) năm 2016 với mục tiêu trở thành họa sĩ truyện tranh.

Tài kể lại: "Mình còn nhớ năm lớp 8, mẹ có hỏi mình sau này muốn làm nghề gì? Và mình đã ngây thơ trả lời bằng cả sự đam mê và nhiệt huyết về việc vẽ truyện tranh". Cậu thiếu niên đã vấp phải sự phản đối của cả bố mẹ và chị gái bởi một ước mơ “thiếu thực tế”. Vẫn hiểu nghề truyện tranh hồi đó thực sự quá non trẻ và chưa được hình thành rõ rệt, Hoàng Văn Tài vẫn vẽ không ngừng, và kiên trì thuyết phục gia đình. Cuối cùng, hai bên tìm được một điểm chung khi Tài theo học trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp để học vẽ nhưng “sau này vào học mình mới biết trường thiên về vẽ minh họa, chứ không có giáo viên nào chuyên về mảng truyện tranh”, Tài cười.

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 3

Mỹ Hạnh (thứ hai từ phải sang) tại Lễ hội ở Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mỹ Hạnh từng học về du lịch nhưng dừng ngang vì không thấy hợp, Hạnh quyết định dành thời gian để làm thêm, tự chuẩn bị cho đường đi nghệ thuật của mình: “Mình không hỏi ý kiến của gia đình mà tự tìm hiểu về ngành học, trường học, học phí thông qua các hội thảo du học, và làm thêm để tiết kiệm tiền. Đến khi chỉ thiếu vài chục triệu nữa thì bố mẹ mới biết là mình sắp đi du học”. Vốn thích văn hóa Nhật Bản, cũng như từng tham gia nhiều đội nhảy yosakoi, J-pop của Nhật, Mỹ Hạnh đến Nhật học vũ đạo đúng như “cá gặp nước”: “Thật sự quãng thời gian học tập hồi đó rất vui, mình được tham gia đủ thể loại sự kiện, có khi là sự kiện văn nghệ nhỏ của địa phương, tham gia nhạc kịch, còn được nhảy cho buổi hòa nhạc kỷ niệm 10 năm của nhóm 2PM.” (2PM là một nhóm nhạc nam Hàn Quốc ra mắt năm 2008, được thành lập bởi JYP Entertainment).

Gia đình Khang Nguyễn cũng không tham gia vào quá trình chọn trường của cậu, “Vốn từ trước đó, khi theo học và làm việc trong ngành đồ hoạ tại Việt Nam thì công việc của mình cũng đã không đi theo truyền thống của gia đình, và mình từ chối mọi sự an bài. Mình sang Nhật để học tiếng trước, trong khi vẫn đắn đo xem nên tiếp tục học về đồ họa hay học về sản xuất âm nhạc – thứ mình thật sự yêu thích lúc đó.” Ở thời điểm lựa chọn, ngành Sản xuất âm nhạc là chuyên ngành mà Việt Nam không có trường nào đào tạo chính thức. Cậu bắt đầu đi tìm hiểu, tham dự rất nhiều các buổi giới thiệu về trường tại các trường nhạc khác nhau quanh khu vực mình đang theo học, cuối cùng may mắn nhận được lời giới thiệu từ một người anh học cùng trường tiếng Nhật, cũng đang theo học tại TSM.

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 4

Khang Nguyễn (đứng giữa) chụp ảnh cùng thành viên nhóm nhạc H5 của Nhật Bản.

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 5
Khang Nguyễn từng sáng tác bài Kimi to sono saki e cho nhóm nhạc nam Nhật Bản H5 năm 2019.

Đam mê sẽ biến thành công việc

Kể cả với những người đã biết về con đường mình muốn đi trước khi chọn ngành học, thì con đường sự nghiệp cũng không hề trải hoa hồng. Đó là một hiện thực tương đối phũ phàng, việc “biết trước” đơn giản là giảm đi phần trăm cơ hội lựa chọn sai và loay hoay với những gì không thể học, không thích học, những cơn bão mờ mịt về hiện tại, tương lai, về sự bất an, cùng vô vàn câu hỏi không tên, mà khoa học vẫn gọi với cái tên “khủng hoảng hiện sinh”. Ít ra, niềm yêu thích ấy sẽ như một ngọn đèn cầy nhỏ, giúp họ vững tâm hơn trên con đường.

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 6

Theo xu thế phát triển của kỷ nguyên số, nhiều đại học Việt Nam cũng như trên thế giới có định hướng đổi mới trong năm 2023. Nhiều chương trình học được thiết kế cải tiến theo hướng đa ngành, xuyên ngành, mang tính quốc tế và gắn với công nghệ, điều này phần nào tạo điều kiện cho đại đa số bộ phận học sinh và phụ huynh chọn trường theo tiêu chí: Học để làm nghề gì? Ngành nào dễ kiếm việc làm? Ngành nào “thời thượng”? Dù vậy, việc lựa chọn lý tính này vẫn không đảm bảo cho việc những tân sinh viên, hay thậm chí sinh viên tốt nghiệp có thể thuận lợi đi theo sự nghiệp được hoạch định sẵn, hay chắc chắn sẽ yêu thích chuyên ngành, công việc của mình.

Như mọi ngành học khác, sinh viên học ngành nghệ thuật cũng có rất nhiều người làm trái ngành trái nghề. Khang nhận định: “Bản chất đầu ra của các ngành nghệ thuật rất khó lường. Khi nhập học tại TSM, mình cũng chưa có định hướng gì rõ ràng lắm về việc sau khi tốt nghiệp mình sẽ làm gì. Thời điểm đó, mình chỉ xác định là mình cần phải học cái mình muốn học để phát triển bản thân, và dần dần từ đam mê sẽ biến thành công việc”.

Trong khi đó, định kiến xã hội và thiếu kinh phí lâu dài là yếu tố đang dần dần ăn mòn tất cả những ai muốn làm về truyện tranh. Dù đam mê và gắn bó với nghiệp vẽ truyện, nhưng Tài cũng không tránh khỏi những cảm giác băn khoăn, nhưng cậu luôn tự nhủ lòng, chỉ cần một ngày vẽ truyện tranh mà bản thân còn tìm thấy sự thích thú, thì đó vẫn là một ngày đang đi đúng hướng.

Mỹ Hạnh lại là người đã buộc phải từ bỏ con đường nghệ thuật giữa chừng: “Nếu theo học từ sớm thì mọi chuyện có lẽ đã thuận lợi hơn một chút. Khi nhập học ở tuổi 25, cơ thể mình không còn được dẻo dai như những người trẻ hơn. Đôi lúc tập theo thấy đuối sức hẳn, chưa kể việc vừa học vừa làm thêm đã khiến cơ thể bị rút cạn sức lực.” Nhớ lại quãng thời gian còn học ở Nhật, có những ngày vừa làm thêm xong ở nhà hàng lúc 11 rưỡi đêm, cô đã phải chạy đi tập nhảy từ 12h đến 5h sáng cho sự kiện của trường. Cường độ quá nặng khiến Hạnh thoát vị cột sống khi tuổi đời còn trẻ, cô đành từ bỏ giấc mơ vào công ty giải trí ở Nhật và trở về Việt Nam: “Giờ mình chỉ tham gia diễn ở những lễ hội, một năm đôi lần và nhảy để đỡ ‘nhớ nghề’ thôi. Thế cũng an ủi rồi.”

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 7

Sau khi về nước, Mỹ Hạnh vẫn thường biểu diễn ở những lễ hội tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung “rất bạc bẽo”, Khang nhấn mạnh, ngoài kỹ năng thực tế của bản thân thì “may mắn” là một yếu tố vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định: “Cho dù kỹ năng sáng tạo của bạn tốt hơn, phối khí giỏi hơn, am hiểu về kỹ thuật thu âm hay mixing - mastering hơn, bỏ nhiều mồ hôi công sức hơn, nhưng nếu thiếu đi may mắn, hay như một cách nói hài hước là ‘được tổ nghề độ’, thì người kiếm được danh tiếng cũng như tiền bạc vẫn không phải là bạn”.

Thích thì có thể đủ khi bạn chọn ngành học, nhưng thích chưa đủ để bạn theo một nghề. Đến một thời điểm nào đó trong nghề khi mọi thứ không theo ý bạn, bạn sẽ dễ đánh mất đi niềm yêu thích, bạn sẽ dễ nản và bỏ cuộc. Khang Nguyễn thẳng thắn: “Lời khuyên là trừ khi bạn thực sự đam mê, bạn thực sự muốn sống với âm nhạc, bạn thực sự tìm thấy niềm vui khi tận hưởng từng bài nhạc bạn làm ra và quan trọng nhất là luôn nhận phần thiệt về mình, còn không thì đừng theo ngành này ngay từ đầu”.

Làm cách nào để không bỏ cuộc giữa chừng?

Khang Nguyễn và Hoàng Văn Tài - hai chàng trai ở hai địa hạt nghệ thuật khác nhau đều có một câu trả lời chung cho vấn đề này: Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.

Sở thích có đủ để bạn theo đuổi một nghề? ảnh 8

Chân dung tự họa của Hoàng Văn Tài.

Hoàng Văn Tài chia sẻ: “Theo quan niệm cá nhân của mình thì để rút ngắn hơn con đường đến với nghề truyện tranh thì các bạn hãy tham gia vào một môi trường hoặc cộng đồng về truyện tranh, từ đó để tìm động đội cùng nhau đi lâu dài, rồi các cơ hội sẽ đến với mọi người.” Với Tài, cộng đồng quý giá mà cậu đã tìm được chính là “Nông trường truyện tranh”, một diễn đàn của những người đam mê vẽ truyện Việt Nam với gần 9.000 thành viên. Tài đã có thêm nhiều bạn mới cùng nhau chia sẻ đam mê và thúc đẩy lẫn nhau ngay từ những ngày học phổ thông, đại học. Sau khi ra trường, cậu cũng có duyên được đầu quân cho Rover Studio, công ty chuyên về vẽ truyện tranh, môi trường đã truyền cảm hứng và động lực tiếp tục để cậu theo đuổi con đường vẽ truyện tranh chuyên nghiệp.

Khang cũng đồng tình với giá trị mà những người đồng đội có thể đem lại: “Đã là nghệ thuật thì phải có người thưởng thức. Không phải lúc nào tác phẩm của bạn cũng đúng với thị hiếu của khán giả, cũng sẽ có những lúc bạn bế tắc trong quá trình sáng tạo, đó là lúc bạn cần đến những lời góp ý từ đồng đội, để đưa bạn ra khỏi cái hố sâu mà bạn đang luẩn quẩn, để hướng bạn đi đúng đường. Ngoài những lời góp ý thì những lời động viên, dù chỉ nhỏ thôi từ những người anh em mà bạn tin tưởng, cũng có thể giúp bạn vượt qua được rất nhiều khó khăn trong quá trình làm nghề, để gỡ được những nút thắt trong chính bạn và có thêm động lực để làm nên những tác phẩm tốt hơn”./.

Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.