Một nghiên cứu mới đã xếp hạng công dụng của 14 loại khẩu trang và mặt nạ che mặt phổ biến trên toàn cầu.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Duke đã tạo ra một thí nghiệm như sau: mọi người đứng trong phòng tối và nói cụm từ "Mọi người hãy giữ gìn sức khỏe" 5 lần theo hướng của chùm tia laze mở rộng, được ghi lại bằng camera điện thoại di động.
Sau đó, một thuật toán máy tính đã được sử dụng để tính toán số lượng giọt tiết bắn ra từ khẩu trang. Kết quả cho thấy khẩu trang y tế có khả năng ngăn ngừa nước bọt nhiều hơn đáng kể so với khẩu trang vải và các loại khăn che mặt khác.
Nghiên cứu này đã cho thấy tác dụng thực sự của khẩu trang y tế trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh các nhà chức trách Mỹ thường khuyến cáo người dân dùng các loại khẩu trang vải và khăn che mặt thay cho khẩu trang y tế.
Đứng đầu bảng xếp hạng là khẩu trang N95, hiện đang được các bác sĩ làm việc tại tuyến đầu chống dịch sử dụng, có khả năng giảm khả năng lây truyền nước bọt ở mức dưới 0,1%.
Trong khi đó, khẩu trang phẫu thuật giúp giảm 90% tỷ lệ lây truyền so với việc không đeo khẩu trang khi nói chuyện. Tiếp sau đó là các khẩu trang vải tự chế, thường loại bỏ 70-90% lượng nước bọt, tùy thuộc vào số lượng lớp vải và nếp gấp.
Lượng nước bọt bắn ra khi đeo khẩu trang vải. |
Nhưng các loại khăn mùi xoa thông thường chỉ ngăn được 50% lượng nước bọt, trong khi các loại khăn quàng cổ dường như làm tăng khả năng lây lan do các lỗ trên bề mặt khăn làm các giọt nước to khuếch tán thành các giọt nhỏ hơn trong không khí.
Khăn mùi xoa không thực sự giúp ích trong việc ngăn chặn dịch bệnh. |
Cuối cùng, khẩu trang N-95 có van lại chỉ có công dụng ngang bằng khẩu trang vải. Các cơ quan y tế cũng khuyến cáo người dân không nên quá tin tưởng vào loại khẩu trang này.
Khẩu trang rất quan trọng vì khoảng 30-40% những người mắc COVID-19 có thể không xuất hiện triệu chứng thông thường nhưng vẫn vô tình lây mầm bệnh cho người khác khi họ ho, hắt hơi hoặc thậm chí là khi nói chuyện.