Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 548 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD). Trong đó, riêng tháng 5 ước tính nhập siêu 1,3 triệu USD.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,7 tỷ USD.
Trong 5 tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 19% và 17,5% của 5 tháng đầu năm 2017 và 2018.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 30% (tăng 12%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 70% (tăng 5%).
Riêng tháng 5/2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 21,5 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước.
Đáng chú ý là xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu trong 5 tháng đầu năm tiếp tục giảm về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. |
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 101,3 tỷ USD trong 5 tháng qua, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chiếm 43% (tăng 15,2%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt chiếm 57% (tăng 7%).
Riêng kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với tháng trước.
21 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 80,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. |
Xét theo quy mô thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó điện thoại và linh kiện tăng hơn 2 lần; điện tử, máy tính, linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 83%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 28%; vải tăng 13%.