So với cùng kỳ 2017, trị giá xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ sau 11 tháng đã tăng thêm 5,409 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 14,2% sang thị trường Hoa Kỳ là kết quả rất tích cực so với nhiều năm gần đây và cũng khá tương đồng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước (xuất khẩu cả nước 11 tháng tăng 14,5%).
Hết tháng 11 có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Hiện thị trường này là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may; thủy sản; giày dép; máy móc, thiết bị…
Cụ thể, 11 tháng đầu năm nay xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt trị giá 12,45 tỷ USD, tăng 11,8% và chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ. |
Còn da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày, Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, Việt Nam có các đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh khi các nhà nhập khẩu giày dép tránh sản phẩm của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ đánh thuế cao.
Với kết quả xuất nhập khẩu trong 11 tháng qua, trị giá xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục được duy trì ở mức cao. Hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ đạt 11,703 tỷ USD. Mức xuất siêu của Việt Nam sang đối tác Hoa Kỳ lên đến 31,752 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ 2017. Kết quả xuất siêu sang Hoa Kỳ góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được thặng dư thương mại hơn 7,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2018.
Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thời gian qua, với nông - lâm - thủy sản, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và thị trường. Đồng thời, tăng cường nâng cao hoạt động thực thi Luật An toàn thực phẩm, Luật Thủy sản…; tăng cường thông tin đến các doanh nghiệp những thay đổi về điều kiện của thị trường…
Với các mặt hàng khác, Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần có giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường nhằm giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu.