Phát biểu tại sự kiện, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới đối tác, tiếp tục kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư mới phù hợp với tiêu chí và định hướng phát triển cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thông tin, hình ảnh của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời cung cấp các thông tin về các cơ chế chính sách mới, đặc biệt là các cơ chế chính sách về Khu Công nghệ cao của thành phố Hà nội được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Với diện tích 1.586 ha, tính đến nay đã giải phóng mặt bằng được 90% diện tích với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thiết lập được môi trường chính sách đặc biệt và thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Hiện tổng số dự án đã thu hút vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 108 dự án đầu tư (gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng.
Theo bà Phan Thị My, tại Điều 24 Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao là cơ hội để Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc lắng nghe những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức hấp dẫn của Khu; đồng thời cập nhật những quy định mới về cơ chế chính sách, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, “cú hích” cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Diễn đàn về chủ đề: “FDI tại Việt Nam-Bối cảnh và triển vọng”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến tháng 8/2024, số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt hơn 14 tỷ USD (tăng hơn 108% so với cùng kỳ); vốn đăng ký là hơn 20,5 tỷ USD (tăng hơn 107% so với cùng kỳ); đã có 2.247 dự án FDI được cấp mới. Đánh giá của các tổ chức quốc tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam khá khả quan do điều kiện chính trị và xã hội ổn định; tăng trưởng kinh tế cao, ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn lao động dồi dào, cơ cấu dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập quốc tế sâu rộng; chính sách mở, ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược.
Nắm bắt được những lợi thế này, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa những quyết sách đúng đắn trong định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài. Đó là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã nghe ý kiến của một số nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; góp ý, đề xuất của một số tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước về giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư.
Ngay sau Diễn đàn, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư (Invest Global) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để mở rộng, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc./.