Từ Venice đến Sicily, người Ý tiêu thụ khoảng 30 triệu ly cà phê espresso mỗi ngày, thức uống được đựng trong cốc sứ hoặc ly nhỏ, có hoặc không kèm theo một chút sữa tươi và xem mỗi cốc là một cử chỉ của tình bạn.
Ông Massimiliano Rosati, chủ sở hữu quán cà phê Gambrinus ở Naples, cho biết: “Cà phê espresso là một cái cớ để nói với một người mà bạn quan tâm. Họ say sưa mỗi ngày, bất cứ giờ nào. Đó là một khoảnh khắc được chia sẻ, một khoảnh khắc kỳ diệu."
Theo Viện Espresso Ý, để thành công, cà phê espresso phải có hương vị "tròn trịa, đậm đà và mượt mà" và "bọt màu hạt dẻ cho tới nâu sẫm, đặc trưng bởi phản xạ màu nâu". Ngoài ra, espresso phải có hương thơm lâu dài như "hương hoa, trái cây, bánh mì nướng và chocolate."
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Ý đã làm hồ sơ gửi tới ủy ban quốc gia UNESCO của nước này để văn phòng UNESCO tại Paris công nhận cà phê espresso là di sản.
Trước espresso, người dân Ý đã tự hào về một loạt các di sản vật thể và phi vật thể trong danh sách của UNESCO, từ săn nấm cục đến nghệ thuật của thợ làm bánh pizza Neapolitan, chế độ ăn Địa Trung Hải và nghề thủ công vĩ cầm truyền thống ở Cremona.
"Uống một ly cà phê espresso là một nghi thức, bởi nó hơi thiêng liêng", bà Annamaria Conte - một giáo viên về hưu, cho biết.
Một số người thường chọn uống espresso khi thưởng thức các món ăn nhẹ như bánh su kem, bánh pizza nhỏ hoặc bánh bột chiên.
"Khi tôi ra nước ngoài, tôi thấy mọi người xếp hàng mua cà phê của họ, họ đứng xếp hàng và bấm điện thoại, hoặc ngồi trong góc với một cuốn sách. Ở đây không như vậy", chủ quán cà phê Massimiliano Rosati nói. "Có một phong tục vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở một số vùng trên đảo Naples, đó là khi bạn đến thăm ai đó, bạn không mang theo bánh hay hoa mà bạn mang theo đường và cà phê."
Vào năm 1884, ông Angelo Moriondo - một người đến từ Turin, đã được cấp bằng sáng chế cho chiếc máy hơi nước dùng để pha cà phê. Nhưng ông Desiderio Pavoni ở Milan mới là người có công trong việc phát triển và sản xuất hàng loạt những chiếc máy pha cà phê bằng hơi nước.
Chiếc máy này sau đó đã trở nên phổ biến trên khắp nước Ý, với mỗi vùng trong số 20 khu vực của đất nước pha cà phê espresso hơi khác nhau về hình thức hay hương vị.
"Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm khi đến đây uống cà phê và nó thực sự ngon", du khách Yael Lesin-Davis, 28 tuổi, cho biết sau khi cô thưởng thức một ly espresso "Moretto", với sữa đánh bọt và bột ca cao.
Raimondo Ricci, chủ sở hữu của quán cà phê Sant'Eustachio ở trung tâm thành phố Rome, cho biết cà phê espresso có khả năng ngăn chặn sự cô đơn, ngay cả khi cách xa quán cà phê.
"Đôi khi ở nhà, chúng tôi pha cà phê và luôn đồng hành cùng nhau bởi chiếc máy này có thể lấp đầy một căn phòng, lấp đầy một ngôi nhà", Ricci nói. "Mùi thơm của cà phê khơi dậy ký ức của những thời kỳ hạnh phúc."