Chúng tôi tìm về xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) theo phản ánh của nhiều người dân, nơi đây đang chịu ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác tự phát trên đường liên thôn (bãi rác nằm địa bàn thôn Thái Hòa).
Hiện nay, người dân thôn Thái Hòa trực tiếp chịu nhiều “hệ lụy” từ bãi rác tập kết sai quy định này. Do bãi rác gần khu dân cư, nên hàng ngày phải “hít” mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên, ruồi, nhặng và những kí sinh trùng độc hại và truyền nhiễm khác bủa vây. Không những vậy, bãi rác cách trường Tiểu học xã Yên Hòa không bao xa, nằm trên trục đường chính liên thôn trong xã nên lượng người qua đây rất đông. Bên cạnh đó, cánh đồng lúa và hoa màu, cây ăn quả của người dân.
Theo người dân thôn Thái Hòa, bãi rác này đã tồn tại từ năm 2015, là bãi rác tự phát nhưng nơi đây gần như trở thành nơi tập kết rác chính của cả xã. Rác thải được đổ về đây để chở đi nơi khác xử lý, nhưng có khi rác được tập kết cả tháng tồn đọng mà không được vận chuyển đi. Người dân địa phương liên tục kiến nghị với chính quyền xã, nhưng đã gần 3 năm qua, vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
Rác tràn xuống ruộng gây ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp của người dân. |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, bà Nguyễn Thị Hương, thôn Thái Hòa, phản ánh: “Đây thực sự là nỗi lo sợ của những người dân sống quanh khu vực này. Hôm nào nắng, gió thì người dân trong thôn không thể chịu đựng được bởi mùi hôi thối, còn nếu mưa to thì rác theo dòng nước lênh láng chảy tràn ra đường. Mong mỏi không riêng người dân thôn Thái Hòa, mà người dân cả xã Yên Hòa, các cấp có thẩm quyền giải quyết bãi rác này đi xa khu vực dân cư, để không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của mọi người nơi đây”.
Kênh mương nước đen đặc từ bãi rác chảy ra. |
Anh Nguyễn Đình Năm, nhà gần bãi rác, bức xúc nói: “Đã gần 3 năm qua, nhà tôi vô cùng khổ sở vì bãi rác. Không những chịu đựng mùi hôi thối, mà gia đình lo lắng nơi đây phát sinh ra các loại côn trùng gây bệnh tật cho mọi người. Nước từ bãi rác chảy ra ngấm vào kênh mương, ruộng, chảy ra đường… đang gây ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và sản xuất của nhiều hộ dân trong thôn. Nước chảy xuống mương khiến không con cá, tôm nào sống được. Các hộ gia đình có ruộng, vườn cây ăn quả gần đó mỗi khi đi làm tiếp xúc với nước về đều bị mẩm, ngứa… do vậy, năng suất lúa và các loại cây trồng khác đều bị giảm năng suất.
Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường