Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới

Hàng nghìn điệp viên Đức đang hoạt động ở nước ngoài có nguy cơ bị lộ sau khi danh tính của họ xuất hiện trong máy tính của điệp viên “hai mang” có mật danh là “Markus R”, người bị tình nghi làm gián điệp cho CIA.
Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới

Điệp viên có mật danh là “Markus R” được xác định là 32 tuổi, người Đức, bị bắt hồi tháng 7/2014. Markus R bị tình nghi làm gián điệp cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Lật tẩy bộ mặt thật

Một ngày tháng 7/2014, khi đang mải mê với đống tài liệu có trong tay, viên sĩ quan của Cục tình báo nước ngoài của Đức (BND) mang biệt danh “Markus R” bất ngờ khi thấy các nhân viên điều tra xuất hiện. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Markus R cúi đầu nhận tội.

Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới - anh 1

(Ảnh minh họa)

Theo thông tin tờ Bild có được, Markus R là nhân viên của BND, làm việc tại bộ phận đăng ký của chi nhánh hoạt động tại nước ngoài của cơ quan này. Đó là lý do giải thích vì sao anh ta có thể tiếp cận được những tài liệu tuyệt mật, trong đó có thông tin cá nhân của các điệp viên hoạt động ở nước ngoài…

Các nhà điều tra cho rằng, vì muốn có nhiều tiền để tiêu xài nên trong thư điện tử gửi tới Đại sứ quán Mỹ tại Berlin năm 2010, Markus R đã chủ động đề nghị giúp đỡ tình báo Mỹ, sau đó được chấp thuận làm điệp viên “hai mang”.

Mỗi tuần một lần, Markus R chuyển cho các nhân viên CIA những tài liệu bí mật mà y đánh cắp được. Tổng cộng, y đã chuyển cho CIA 218 tài liệu mật lấy từ những máy vi tính của BND, trong đó có hai tài liệu liên quan hoạt động điều tra của một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ đối với hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại Đức. Đổi lại, CIA đã trả cho Markus R 34.000 USD.

Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới - anh 2

(Ảnh minh họa)

Vụ việc có thể chưa sớm bị bại lộ nếu như Markus R không quá tham lam. Một ngày tháng 5-2014, Markus R đã gửi thư điện tử cho Tổng lãnh sự quán Nga tại Munich (Đức), trong đó đề nghị được làm gián điệp cho Nga. Để chứng minh vai trò quan trọng của mình, y còn gửi kèm ba tài liệu mật trong đó có hai tài liệu về cuộc điều tra hoạt động của NSA tại Đức. Nhưng khác với những lần trao đổi trót lọt với Mỹ trước đó, phi vụ với người Nga lại không thành công. Cuối cùng điệp viên “hai mang” Markus R đã bị lật tẩy.

Khám xét nhà riêng của Markus R, cảnh sát tìm thấy nhiều thông tin mật trong máy tính và USB. Tuy nhiên, phải đến gần đây, các nhà điều tra mới đánh giá hết giá trị số thông tin mật đó. Điều khiến các nhà điều tra lo ngại nhất là trong danh sách Markus R đánh cắp được từ năm 2011 có chứa tên thật, mật danh của các nhân viên BND làm việc dưới danh nghĩa nhà ngoại giao tại nhiều đại sứ quán của CHLB Đức khắp thế giới và những người làm việc bí mật ở các nước mà quân đội Đức đang triển khai lực lượng, trong đó có Afghanistan, Mali, Lebanon và Sudan.

Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới - anh 3

(Ảnh minh họa).

Theo tờ De Spiegel của Đức, BND hiện có khoảng 6.500 nhân viên, thường ở trong các Đại sứ quán Đức ở nước ngoài hoặc được phái đến những khu vực có binh sĩ Đức triển khai. Nhiệm vụ BND là xác định mục tiêu thù địch và cảnh báo quân đội nếu phát hiện có mối đe dọa. Việc thân phận bị lộ có thể đặt các điệp viên Đức vào tình cảnh nguy hiểm. Mặc dù các nguồn tin tình báo Đức khẳng định bản danh sách mật trên đã lỗi thời vì tên tuổi được cập nhật lần cuối năm 2011, song BND cũng phải thừa nhận rằng mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là điều tra xem Markus R đã bán danh sách điệp viên cho cơ quan tình báo nước ngoài thù địch hay chưa.

Cuộc chiến gián điệp

Vụ bê bối chung quanh gián điệp “hai mang” mang mật danh Markus R đã phủ “bóng đen” lên quan hệ Đức và Mỹ. Vụ việc đã đẩy quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Đức đứng trước những thách thức mới trong bối cảnh Berlin vẫn chưa quên những tiết lộ động trời của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, phơi bày chương trình do thám khổng lồ của NSA nhằm vào các công dân Đức và nghiêm trọng hơn, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là một mục tiêu do thám.

Trên thực tế, việc mua chuộc điệp viên hoặc cài điệp viên nằm vùng là vấn đề luôn gây tranh cãi và căng thẳng giữa các nước, đặc biệt là giữa Nga với Anh và Mỹ. Một trong những điệp viên nổi tiếng từng gây sóng gió trong quan hệ giữa Liên Xô (trước đây) và Anh là Vasily Mitrokhin, một cựu sĩ quan thuộc Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB).

Khởi nghiệp là một kiểm sát viên quân sự tại Kharkov (Ukraine), thời gian sau Mitrokhin được đặc cách vào Học viện Ngoại giao ở Moscow. Năm 1948, Vasily Mitrokhin chính thức bước vào thế giới của những người “hoạt động ngầm” khi đầu quân cho KGB và được đánh giá là điệp viên tràn đầy nhiệt huyết. Nhờ những năng lực vượt trội cũng như bảng thành tích dày đặc của mình, Mitrokhin nhanh chóng trở thành một điệp viên được tin cậy và có cơ hội tiếp cận những nguồn tài liệu tuyệt mật của tình báo Liên Xô. Năm 1956, Mitrokhin được chuyển tới làm việc tại kho lưu trữ của KGB. Giai đoạn này Mitrokhin bắt đầu bộc lộ bất mãn.

Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới - anh 4

Năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ và tám năm sau khi rời KGB, đặc vụ Mitrokhin đã phản bội và chạy sang phương Tây. Cựu điệp viên này nhanh chóng liên lạc với các quan chức CIA tại Latvia với số tài liệu thu thập được và đề nghị được giúp đỡ đào tẩu. Bị người Mỹ từ chối, Mitrokhin quay sang liên hệ các mật vụ thuộc cơ quan tình báo Anh MI6. Sau này, theo tiết lộ của điệp viên Anh, số tài liệu trên nhiều đến mức được chất đầy trong sáu chiếc va-li để vận chuyển tới London. Từ thân phận “chuột chũi”, Mitrokhin bỗng trở thành “người hùng”, được MI6 chiêu mộ, hậu thuẫn. Mitrokhin và gia đình đã bí mật trốn sang Anh.

Năm 2010, quan hệ Nga - Mỹ trải qua nhiều sóng gió sau khi Washington cất “mẻ lưới” chưa từng có: bắt giữ 10 gián điệp “nằm vùng” của Nga. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, việc bắt giữ những người tình nghi trên vào tháng 6-2010 là kết quả của một cuộc điều tra sát sao, theo dõi nhất cử nhất động của tất cả các thành viên mạng lưới gián điệp. Các “điệp viên” này còn được gọi là “dân nằm vùng”, được cài cắm ở Mỹ từ rất lâu, một số người đã định cư khoảng 20 năm dưới vỏ bọc các cặp vợ chồng, hoạt động trong những ngành có khả năng xây dựng quan hệ rộng như tài chính, truyền thông để lấy thông tin từ giới hoạch định chính sách của Washington.

Ngoài phương tiện công nghệ tối tân, các nghi can này còn sử dụng cả những phương pháp truyền thống như mực vô hình và tráo đổi những cái túi giống nhau khi “tình cờ” đi ngang qua nhau trong công viên để trao đổi thông tin. Thông tin được mạng lưới gián điệp quan tâm tìm hiểu rất sâu rộng, từ bom phá boong-ke hiện đại nhất, quan điểm của Mỹ với Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START-2... cho tới phương hướng xử lý chương trình hạt nhân của Iran.

Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới - anh 5

Một trong 10 người Nga bị cáo buộc liên quan tới vụ án gián điệp này là nữ doanh nhân người Nga Anna Chapman, 28 tuổi. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cử người theo dõi Anna từ đầu năm 2010 khi cô thực hiện các cuộc giao tiếp tinh vi với người quản lý người Nga của mình trong những bối cảnh như trong tiểu thuyết tình báo... Báo chí Mỹ khi đó nhận định, vụ bắt giữ này được cho là đặc biệt so các vụ tương tự trong quá khứ vì những người bị bắt đều là thường dân và không hề có mối liên hệ nào với cơ quan sứ quán hoặc lực lượng quân sự Nga ở Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, Washington và Moscow đã tiến hành trao đổi gián điệp. Theo đó, Moscow đã đồng ý thả bốn tù nhân bị kết tội làm gián điệp phương Tây để đổi lấy 10 nghi phạm gián điệp nói trên của Nga. Đây là vụ trao đổi gián điệp lớn nhất và cũng gây chú ý nhiều nhất giữa hai cường quốc Nga và Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Các vụ bê bối gián điệp là chuyện thường xảy ra giữa các cường quốc. Tuy nhiên, việc để lộ danh tính hàng nghìn điệp viên như ở Đức mới đây không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng các điệp viên, mà còn gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của đất nước đó.

>>> Xem thêm

10 nữ sát thủ khét tiếng nhất trong lịch sử tội phạm quốc tế

Hồ sơ nữ binh al-Qaeda mà khủng bố IS muốn 'mạng đổi mạng'

Hợp tác cùng Thời nay

Ảnh minh họa
Thành phố Hồ Chí Minh: Hơn 98.600 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập
(Ngày Nay) - Ngày 14/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố số liệu thống kê nguyện vọng đăng ký tuyển sinh lớp 10 vào các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng để thí sinh tham khảo và cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian từ ngày 14-19/5.
UNESCO hỗ trợ các quốc gia Ả Rập ứng dụng AI vào giáo dục. Ảnh: Active Floor
UNESCO hỗ trợ các quốc gia Ả Rập ứng dụng AI vào giáo dục
(Ngày Nay) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị cho thế hệ tương lai những kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số, UNESCO đã khởi động một loạt hội thảo khu vực nhằm phát triển khung năng lực kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) quốc gia.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba.
Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ tới Ukraine
(Ngày Nay) - Ngày 14/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ xuất hiện tại Kiev. Mục đích của chuyến thăm không được công bố từ trước này được cho là nhằm trấn an Ukraine rằng nước này vẫn có sự hỗ trợ của Mỹ trước các cuộc tiến công ngày càng mạnh mẽ từ Nga.