Chùa của thầy Thân

(Ngày Nay) - Chùa Đông Am thoạt nhìn từ bên ngoài không có gì đặc biệt. Cũng mái chùa, vườn cây. Nhưng đằng sau ngôi chùa nhỏ ấy, là một câu chuyện về chiến tranh - về một con người đã đi qua những nỗi buồn của chiến tranh để giờ tìm thấy bình yên nơi cửa Phật.
Chùa của thầy Thân

Ở Quang Bình, người dân không nhớ tên chữ của chùa Đông Am. Một anh cán bộ huyện chúng tôi gặp ở cây xăng và hỏi đường, cương quyết khẳng định rằng anh công tác đã lâu nhưng chưa bao giờ được nghe tên chùa Đông Am. Nhưng hỏi đến “chùa thầy Thân” thì anh biết.

Anh hỏi lại, có phải thầy Thân ngày xưa đi chiến trường không? Chúng tôi gật đầu. Anh chỉ đường vào chùa.

Ở Quang Bình, người ta gọi chùa Đông Am là “chùa thầy Thân” - theo tên vị trụ trì - đã thành quen, không còn nhớ tên chữ.

Chùa của thầy Thân ảnh 1

Thầy Thích Đàm Thân vẫn khóc khi nói đến những đồng đội cũ. Thày tự kể chuyện, về một dịp nào đó năm xưa, thầy được mời về làm lễ ở chiến trường xưa. Thầy trở về nơi ấy với tư cách một bậc cao tăng, nhưng nó lại làm sống dậy những ký ức của cô bộ đội Lương Thị Thân năm nào. Bao nhiêu đồng đội đã hy sinh trên con đường 20 Quyết Thắng, bao nhiêu bạn bè trong làng, trong huyện, đã đi mãi không về. Thầy khóc nức nở.

Thấy bảo rằng lần nào nói về đồng đội cũ, thầy cũng khóc, dù hơn 40 năm đã qua đi.

“Đã biết bao người như tôi, các bạn tôi trẻ lắm đẹp lắm. Vậy mà chỉ một loạt bom rơi là các bạn tôi đi hết. Tôi xuất gia để cầu siêu cho những bạn bè của tôi”...

Chùa của thầy Thân ảnh 2

Cô y tá chiến trường Lương Thị Thân đã gắn bó với những con đường dọc dãy Trường Sơn suốt 9 năm trời. Trời Phật đã không cho chị chết. Có lần, một quả bom rơi xuống xe, chị tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trong nhà dân vùng Lao Bảo, Quảng Trị. Người ta nói cả chuyến xe đã hy sinh hết, chỉ còn mình Thân.

Những vết thương đã biến cô gái khỏe mạnh trở thành một thương binh mất 62% sức khỏe. Và quan trọng hơn, là cô biết rằng trong người mình đã nhiễm chất độc da cam: người phụ nữ ấy, quyết định rằng mình sẽ không bao giờ trở thành một người mẹ nữa.

Người cũ từ chiến trường trở về. Họ gặp lại nhau. Nhưng nỗi mặc cảm của Thân không cho phép cô được sống cuộc đời của một phụ nữ bình thường. Người ta kể rằng cho đến nhiều năm sau này, khi Lương Thị Thân đã trở thành nhà sư Thích Đàm Thân, người đàn ông ấy vẫn tìm đến và xin sư quay lại. Anh không lấy vợ. Nhưng cô đã quyết định đoạn tuyệt với bụi trần.

Chùa của thầy Thân ảnh 3

Bây giờ sư thầy không muốn nhắc nhiều đến chuyện quá khứ nữa. Trong tâm của sư thầy, giờ chỉ có chùa, có Phật, và có đạo.

Niềm vui của sư thầy, ở tuổi ngoài 60, là làm sao cho cảnh chùa được đẹp, cho khách thập phương đến vãn. Là làm sao, cưu mang thêm được những phận đời khó khăn đã phải tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật. Thầy Thích Đàm Thân đã nhận nuôi nhiều đứa trẻ mồ côi, và nâng đỡ nhiều phận đời hẩm hiu. Có cháu giờ đã lớn, được cho đi học Đại học Phật giáo. Có cháu, vẫn còn tuổi bú mớm.

Hơn chục năm qua, đã có gần 40 đứa trẻ bị bỏ rơi được chùa Đông Am nuôi dưỡng.

Có lần, chia sẻ với các nhà báo, sư thầy nói rằng khi nuôi dưỡng những đứa trẻ ấy, thầy cảm thấy như mình chính là mẹ của chúng. Những tổn thương cơ thể từ chiến trường, đã tước mất của thầy thiên chức làm mẹ. Nhưng ở nơi cửa Phật này, thầy vẫn tìm thấy được cách để trở thành một người mẹ - tận hưởng cảm giác được nuôi dưỡng những đứa con và chứng kiến chúng lớn lên với tấm lòng từ bi.

Có một điều đặc biệt ở chùa Đông Am, mà dường như gắn bó với cuộc đời của một người lính trước khi sư trụ trì nơi này bước vào cửa Phật. Đó là ngoài bàn thờ Phật, thì trong chính điện, còn có bàn thờ dành cho nhiều nhân vật có công với cách mạng. Dưới chân Phật, người ta nhìn thấy di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên tay phải ban thờ, lại gặp một bát hương dành cho nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh - một trong những lãnh đạo đầu tiên của phong trào công nhân Việt Nam.

Ngay cả ở nơi không vướng với bụi trần này, bằng cách nào đó, sư thầy vẫn thể hiện được lòng trung thành của một người đã đi theo cách mạng.

Khi khóc, thầy đọc nhiều bài thơ. Những bài thơ về quá khứ bi hùng của tổ quốc, và về những người đồng đội đã ngã xuống. Gạt nước mắt, thầy đi tụng kinh. Điều mà thầy nói, rằng để cho những đồng đội của mình được siêu thoát: có bao nhiêu người trong số họ vẫn nằm lại chiến trường suốt 40 năm qua, không thể quay về quê nhà.

Buổi tụng kinh chiều, dù không phải ngày nghỉ, nhưng vẫn có đông người làng đến dự. Mọi người ngồi thành hàng ngay ngắn trong chùa, xếp quyển kinh trước mặt, và đọc theo lời của sư trụ trì. Nắng chiếu xiên qua những tán cây cạnh chùa, tiếng trẻ nhỏ vang sang từ ngôi trường tiểu học cạnh bên, tạo ra một khung cảnh tĩnh tại và bình yên. Khó tưởng tượng được rằng, đằng sau khung cảnh ấy là quá khứ bi thương của một người phụ nữ đã để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Và rộng hơn, đằng sau những vệt nắng xiên bình yên trong buổi chiều Quang Bình ấy, là cuộc đời của hàng vạn con người đã nằm lại, mà đến giờ vẫn là niềm day dứt của người đồng đội cũ.

Chùa của thầy Thân ảnh 4

Trong cuộc chiến tranh 54-75, tỉnh Thái Bình là một trong những địa phương đưa ra tiền tuyến nhiều bộ đội và TNXP nhất. Hay là hiểu theo cách khác: đây là nơi có nhiều cô gái trẻ đã ra đi và để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường.

Và có rất nhiều người trong số họ, sau khi cuộc chiến kết thúc, với những vết thương trong lòng và trên cơ thể, không còn quay về với cuộc đời được nữa. Họ quyết định rằng mình sẽ tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật.

Sư thầy Thích Đàm Thân không phải người duy nhất mang trong mình mặc cảm của một người đã nhiễm chất độc hóa học. Nhiều nữ TNXP của Thái Bình cũng đã vì hiểu được điều đó mà không lập gia đình, trong đó có những người giờ cũng đã tìm đến nơi cửa Phật. Họ từ bỏ thiên chức của người phụ nữ, vì không muốn sinh ra những đứa con tật nguyền. Chỉ trong một đơn vị, như là đại đội 895, nhiễm chất độc hóa học trong một trận bom ở ga Gôi, Nam Định, đã có tới 23 đứa trẻ có di chứng được sinh ra đời. Nhiều người đã mất vì ung thư.

Cho đến giờ, vẫn còn gần 20 ngôi chùa ở Thái Bình có các nhà sư là những nữ TNXP hay là lính từ chiến trường trở về. Một số người vẫn muốn nói về cái thời khói lửa ấy: ký ức không thể phai trong họ. Một số người, như thầy Thân, không còn muốn nhắc lại nữa.

Đức Phật đã cho họ một cuộc đời mới. Bình yên và xoa dịu được đi những tổn thương mà bom đạn trút lên mình.

Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.