Trên tờ “Nước Mỹ ngày nay” (USA Today), ông Thomas H.Kean và Lee H. Hamilton - Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban 11/9 của Mỹ, đánh giá rằng 15 năm đã trôi qua kể từ thảm kịch 11/9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng tại Mỹ, song cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa kết thúc và mối đe doạ khủng bố thậm chí trầm trọng hơn.
Về mặt tích cực, nhờ có những thay đổi đáng kể trong chính sách an ninh nội địa, nước Mỹ không phải hứng chịu thêm một vụ tấn công khủng bố nào quy mô như vụ 11/9. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã được cải tổ với quy mô chưa từng có, tiêu tốn khoản kinh phí “khủng” khoảng 1.000 tỷ USD. Các cơ quan Liên bang và các tiểu bang, địa phương ở Mỹ nỗ lực, hợp tác hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố. Nước Mỹ cũng áp dụng nhiều biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu, các cảng biển và ga hàng không thương mại.
Tuy nhiên, Washington vẫn chưa thể ngăn chặn hết những vụ tấn công nhỏ lẻ ngay trong lòng nước Mỹ. Ở cấp độ toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố thậm chí trở thành vấn đề nhức nhối hơn. Chủ nghĩa khủng bố đang làm trầm trọng hơn các xung đột sắc tộc, giáo phái, khiến hàng triệu người mất nhà cửa và làm suy yếu nhiều chính phủ.
Những kẻ khủng bố tiếp tục nhằm vào các khu vực công cộng, hàng không quốc tế và không gian mạng, đồng thời săn tìm vũ khí huỷ diệt. Sự trỗi dậy của “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Iraq và Syria trở thành nỗi ám ảnh mới nhất đối với an ninh toàn cầu.
Theo “Chỉ số Khủng bố Toàn cầu”, các hoạt động khủng bố đạt mức độ cao kỷ lục vào năm 2014, khiến hơn 32.600 người thiệt mạng. Vào năm 2001, con số này mới chỉ vượt quá 5.000 người. Trong số 162 nước được khảo sát, có 93 nước đã phải hứng chịu ít nhất một cuộc tấn công khủng bố.
Chủ tịch Uỷ ban 11/9 của Mỹ, ông Thomas H.Kean, cảnh báo khủng bố không chỉ đe dọa Mỹ mà còn là một “căn bệnh lây lan” phá huỷ dần nền tảng của tự do, hệ thống luật quốc tế cũng như đe doạ các đồng minh ở châu Âu, sự ổn định của các đối tác ở Trung Đông mà Mỹ cần dựa vào để đảm bảo an ninh và sự thịnh vượng.
Các chuyên gia an ninh của Mỹ cho rằng cách tiếp cận vấn đề về chủ nghĩa khủng bố trong 15 năm qua, chủ yếu bằng các chiến dịch quân sự chống khủng bố, là chưa đủ.
Kể từ sau vụ khủng bố 11/9, ở ngoài nước, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh trên bộ tại Afghanistan và Iraq; một chiến dịch trên không tại Syria để tiêu diệt các căn cứ của bọn khủng bố. Hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã được phát động. Nhưng nghịch lý là Mỹ càng nỗ lực chống khủng bố thì số vụ tấn công khủng bố với quy mô và mức độ nghiêm trọng càng gia tăng ở khắp các châu lục.
Báo cáo của Uỷ ban 11/9 cảnh báo rằng chủ nghĩa khủng bố có thể “đe doạ người Mỹ và các lợi ích của Mỹ về lâu dài, kể cả sau khi Osama bin Laden và các cộng sự của y bị tiêu diệt hoặc bị bắt”. Báo cáo này nhấn mạnh chiến lược của Mỹphải đạt được hai mục tiêu: phá huỷ mạng lưới al-Qaeda và đánh bại về lâu dài hệ tư tưởng đã khiến chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trỗi dậy.
Tư tưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nguy hiểm ở chỗ luôn tìm cách bành trướng xuyên biên giới, lôi kéo những người “cuồng tín” tới mức sẵn sàng tàn sát người khác hoặc hy sinh chính mạng sống của mình bằng những hành vi man rợ, tàn ác như đánh bom liều chết, chặt đầu, không tặc, “sói đơn độc”… Tư tưởng này còn được “hà hơi tiếp sức” từ việc các phần tử cực đoan sử dụng các công cụ truyền thông, mạng xã hội, khai thác những mối bất bình về chính trị, kinh tế. Hiện tại, các tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới như al-Qaeda, IS, Taliban…đều tuyên bố thực hiện tư tưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Sau 15 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, hơn 1/2 dân số Mỹ vẫn đánh giá nước Mỹ hiện nay kém an toàn hơn so với thời điểm trước ngày 11/9/2001. Bởi vậy, rất nhiều người cho rằng đã đến lúc chính quyền Mỹ phải đưa ra một chiến lược chống khủng bố đúng hướng hơn.Theo các chuyên gia an ninh, Mỹ chỉ có thể phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến chống khủng bố khi có chiến lược lâu dài để đánh bại hệ tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, như họ đã huy động sức mạnh quân sự thời gian qua.
Thách thức giữ an toàn cho nước Mỹ sẽ tiếp tục đè nặng lên vai người được bầu làm Tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử tháng 11 tới đây. Trong khi đó, không chỉ bằng “vũ khí, bom đạn”, cộng đồng quốc tế còn phải nâng cao nhận thức và hợp tác chặt chẽ để giải quyết những vấn đề “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố.