Theo thông tin đăng tải trên báo Vietnamnet, sáng 28/4, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, bệnh nhân 52 và bệnh nhân 149 đã âm tính trở lại với virus SARS-CoV-2. 2 bệnh nhân COVID-19 nói trên được công bố khỏi bệnh ngày 16/4, tuy nhiên kết quả xét nghiệm ngày 21/4 lại dương tính trở lại.
Trong đó, bệnh nhân 52 là trường hợp điều trị khá lâu, vào viện từ ngày 14/3. Bệnh nhân đã 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày 26/3 và 28/3. Tuy nhiên 3 lần xét nghiệm tiếp sau đó vào các ngày 30/3, 2/4 và 5/4 lại cho kết quả dương tính. Đến 8/4, kết quả xét nghiệm lại âm tính, sau đó có thêm 2 lần âm tính nữa trước khi dương tính trở lại.
Hiện cả 2 bệnh nhân này vẫn đang được cách ly, theo dõi tiếp tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh, điều trị nâng cao thể trạng, sức khỏe ổn định, không sốt, không ho.
Với bệnh nhân 36 ở Bình Thuận, kết quả xét nghiệm mới nhất của viện Pasteur Nha Trang cũng cho thấy bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, cách ly tại BV đa khoa tỉnh, lấy mẫu xét nghiệm lại.
Bệnh nhân 36 được BV đa khoa tỉnh Bình Thuận công bố khỏi bệnh ngày ngày 10/4, sau 3 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và được tiếp tục cách ly 14 ngày tại một cơ sở y tế tập trung của tỉnh Bình Thuận.
Tại đây bệnh nhân 36 được xét nghiệm 2 lần âm tính nữa nhưng xét nghiệm lần 3 trong ngày cuối cùng cách ly để chuẩn bị ra viện thì cho kết quả dương tính trở lại.
Như vậy đến sáng nay (28/4), cả nước vẫn còn 5 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh, bao gồm: bệnh nhân 74, 137, 188, 207 và 224 (9 bệnh nhân dương tính trở lại có bệnh nhân 22 đã trở về Anh, 3 bệnh nhân đã âm tính).
Lý giải về những nguyên nhân khiến các bệnh nhân COVID-19 tái dương tính trở lại sau khi xuất viện, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thứ nhất, có thể những người bệnh này chưa khỏi bệnh hoàn toàn, quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi. Thứ 2, có thể những bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt (xác virus) chưa hoàn tất. Thứ 3, đó có thể là hiện tượng "người lành mang trùng", cơ thể chưa sản xuất đủ kháng thể có thể khống chế và tiêu diệt virus.
Cũng theo ông Long, các trường hợp đã khỏi bệnh nhưng nay dương tính trở lại sẽ giao cho 2 labo đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3 của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP.HCM nuôi cấy, nếu virus đó sống chứng tỏ bệnh nhân chưa khỏi bệnh, từ đó sớm có câu trả lời một cách khoa học.
Trước đó, khi xuất hiện 3 trường hợp dương tính trở lại, có chuyên gia cho rằng kết quả xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào thời điểm, vị trí lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu... Gần đây do que lấy mẫu có thời điểm cạn kiệt, loại que mới cứng và khó lấy mẫu được như que chuyên dụng, có thể cũng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Với 5 bệnh nhân đã khỏi bệnh lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Phạm Ngọc Thạch lý giải đó có thể là xác virus và khi xét nghiệm gen phát hiện được nhưng không chứng tỏ virus đó còn hoạt động.
Còn ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng những trường hợp như vậy nếu có virus thì virus rất yếu, không có nguy cơ làm lây lan bệnh.
Để tránh dương tính trở lại sau khi ra viện, Hà Nội yêu cầu cơ quan y tế dự phòng địa phương tiếp tục lấy mẫu định kỳ 1 lần/tuần với các bệnh nhân COVID-19 khi đã về nhà để làm xét nghiệm.