Ước mơ dang dở
Ông Linh cho biết, đi học đại học là mơ ước của ông từ thuở bé, nhưng suốt thời thanh niên rồi trung niên, do điều kiện kinh tế khó khăn, ông không có điều kiện đi học mà phải đi làm ở các công trường. “Đi công trường, ở tận trong các vùng rừng núi, tôi vẫn chăm chỉ tự học. Năm 1968, tôi về Hà Nội để dự thi chứng chỉ tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa với tư cách thí sinh tự do và thi đỗ. Đó cũng là tấm visa để tôi đăng ký vào các trường đại học sau này,”- ông Linh chia sẻ.
Cuốn theo cuộc sống mưu sinh để lo cho gia đình, con cái, hết làm thợ nề lại chuyển sang thợ mộc, nhưng giấc mơ đại học trong ông vẫn luôn cháy bỏng. Khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống khấm khá hơn và có điều kiện về thời gian, ông quyết định tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, dù tuổi đã cao. Năm 2014, ở tuổi 80, ông đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chuyên ngành Báo in của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm 2015, ông dự thi văn bằng hai của Trường Đại học Luật Hà Nội và đạt 11 điểm trong khi điểm chuẩn của trường là 12 điểm. Bị trượt vì thiếu điểm nhưng ông Linh không nản chí, tiếp tục ôn tập để đạt ước mơ.
“Tôi vẫn rất yêu thích ngành luật nên năm 2017, tôi có vào Học viện Tư pháp để xin học nhưng ở đó họ bảo chỉ đào tạo cho những người đã tốt nghiệp đại học và có trình độ tiếng Anh nên tôi lại về. Sau đó, tôi thi vào Đại học Đông Đô, hệ chính quy và vừa đủ điểm đỗ. Học đại học là mơ ước của tôi, giờ tôi nhiều tuổi tôi mới có thời giờ để đi học, nên tôi rất trân trọng cơ hội này” - ông Linh xúc động nói.
Tiến sỹ Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô cho biết, ông Linh là một trong những sinh viên chăm chỉ nhất và luôn là tấm gương để các bạn noi theo về tinh thần ham học. Nể phục trước tinh thần học tập của ông Linh, trường Đại học Đông Đô đã giảm 50% học phí cho ông.
Mong sống đến ngày… nhận bằng
Ông Linh vui vẻ khoe, năm nay mình đã 85 tuổi nhưng đi học cùng các bạn trong lớp chỉ mới đôi mươi, còn ít hơn tuổi cháu ông.
“Đi học rất vui. Tôi nhiều tuổi nên các bạn trẻ trong lớp rất quý mến và tôn trọng, tôi cũng rất yêu quý và tôn trọng họ. Học cùng lớp trẻ nên tôi thấy mình cũng trẻ ra”.
Ông Linh đọc thơ tự sáng tác để khích lệ tinh thần học tập của sinh viên trong ngày khai giảng năm học mới |
Dù cao tuổi, ông vẫn còn khá minh mẫn và khỏe mạnh. Hàng ngày, ông tự đạp xe từ nhà đến trường, không phiền bận con cháu đón đưa. “Trước đây, lớp học ở đường Tôn Thất Thuyết, tôi đi từ Cổ Nhuế đến trường mất 35 phút. Giờ địa điểm học chuyển về cạnh Bệnh viện 198, gần hơn một chút, tôi đi chỉ mất 25 phút. Đi xe đạp cũng là thời gian tập thể dục, giúp tôi khỏe hơn,”- ông Linh chia sẻ.
Mới là sinh viên năm hai và phải đến tận năm 2021 mới tốt nghiệp nên ông Linh cười nói, ông phải phấn đấu thật khỏe mạnh để có cơ hội nhận bằng.
“Năm 2003, tôi bị bệnh và phải cắt đi ¾ dạ dày. Bây giờ tôi chỉ còn ¼ dạ dày và mỗi bữa chỉ ăn một nửa gói mì tôm, ngày ăn hai bữa. Tôi không biết tôi có sống được đến ngày tốt nghiệp không hay đứt đoạn giữa đường, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học để mở mang trí tuệ. Tôi có thể bỏ tiền ra và ngay lập tức mua một tấm bằng đại học, thậm chí bằng tiến sỹ, nhưng điều đó thật đáng xấu hổ. Vì thế, tôi phấn đấu làm sao khỏe mạnh đến năm 2021 để được nhận tấm bằng đại học” - ông Linh xúc động nói.
Thực hiện ước mơ khi tuổi đã rất cao, ông Linh bảo ông rất vui khi thấy lớp trẻ ngày nay đa phần không còn thất học vì khó khăn như mình ngày trước.
“Nhưng tôi nghĩ họ nên bớt xem điện thoại và tập trung hơn vào việc học để có tri thức, làm cho cuộc sống bản thân tốt hơn, phục vụ đất nước, giao lưu quốc tế và góp phần đưa cả thế giới này văn minh hơn,” – ông Linh nhắn nhủ.
Không chỉ khiến mọi người kính nể vì tinh thần ham học, ông Linh còn sáng tác rất nhiều thơ, văn. Ông hiện là Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Đường luật Việt Nam, chi bộ Bắc Từ Liêm, Hà Nội.