Ngày 1/7, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohammed Maait dẫn đánh giá của ngân hàng Standard Chartered dự báo Ai Cập sẽ đứng thứ 7 thế giới về quy mô nền kinh tế vào năm 2030, so với vị trí thứ 21 hiện nay.
Ông Mohammed Maait nhấn mạnh Ai Cập sẽ là quốc gia duy nhất ở khu vực Trung Đông khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế từng ghi nhận trước đại dịch COVID-19, với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt 5,5% trong tài khóa 2021-2022.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Ai Cập cũng dẫn nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Ai Cập là một mô hình cải cách kinh tế thành công, ngay cả trong đại dịch COVID-19.
Ông cũng lưu ý Ai Cập đã vượt qua nhiều nền kinh tế trong khu vực và vươn lên vị trí thứ hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab trong năm 2020, chỉ sau Saudi Arabia.
Bộ trưởng Kế hoạch và phát triển kinh tế Ai Cập Hala El-Said cho biết, nước này đã đầu tư 255 tỷ USD vào các dự án quốc gia trong giai đoạn 7/2014 - 6/2021.
Kết quả này đã giúp cải thiện đáng kể các chỉ số cạnh tranh quốc tế của Ai Cập. Theo bà El-Said, các dự án thuộc lĩnh vực dầu khí và khoáng sản dẫn đầu về tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2014-2020.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng, bao gồm Moody's, S&P và Fitch, đã giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Ai Cập với triển vọng ổn định, bất chấp tác động từ đại dịch COVID-19.
Trong một báo cáo mới công bố, Ngân hàng Phát triển và tái thiết châu Âu (EBRD) dự báo kinh tế Ai Cập sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 5,2% năm 2022. Ai Cập là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
EBRD dự đoán tăng trưởng kinh tế của quốc gia Bắc Phi này trong tài khóa 2020-2021 sẽ giảm xuống 2,5%, trước khi phục hồi với mức tăng cao hơn trong tài khóa 2021-2022.
IMF dự báo tăng trưởng GDP của Ai Cập sẽ đạt 5,2% trong tài khóa 2021-2022, từ mức tăng dự kiến 2,8% trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2021.