Cuộc chiến “sao kê”
Thời gian qua, mạng xã hội tranh cãi quyết liệt về việc giới văn nghệ sĩ đứng ra vận động từ thiện rồi tổ chức tiếp nhận và phân phối tiền, hàng của các cá nhân đóng góp. Nhiều câu chuyện được cho là khuất tất, thậm chí có dấu hiệu “găm” tiền của các cá nhân đã đóng góp.
Bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Nam đã nhiều lần livestream trên mạng xã hội để thách đố giới văn nghệ sĩ minh bạch việc quyên góp bằng cách sao kê tài khoản ngân hàng. Những nghệ sĩ được bà Hằng nhắc tên qua những "giấc mơ" cụ thể: NSƯT Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên - Công Vinh, Trấn Thành,…
Những lần livestream của bà Nguyễn Phương Hằng nhắc tên các nghệ sĩ vẫn chưa có hồi kết nhưng đã mang lại giá trị nhất định của sự minh bạch hóa từ tài khoản vận động quyên góp. Điển hình, NSƯT Hoài Linh đã phải giải ngân nhanh chóng số tiền hơn 14 tỷ đồng còn “mắc kẹt” trong tài khoản, Trấn Thành cung cấp tài khoản sao kê dù chưa biết tính chính xác đến đâu, Thủy Tiên – Công Vinh hứa sẽ minh bạch hóa tài khoản vận động… Trong khi đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhất quyết không sao kê.
Một số cá nhân đứng ra vận động quyên góp, tổ chức tiếp nhận và phân phối trong hoạt động từ thiện đưa ra Luật Các tổ chức tín dụng 2010 để cố tình không minh bạch tài khoản. Các cá nhân này cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định chỉ 3 nhóm đối tượng được tiếp cận, sử dụng thông tin khách hàng gồm: Khách hàng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền (khi có sự cho phép của khách hàng) và cán bộ, nhân viên ngân hàng (sử dụng nội bộ để quản lý, xử lý công việc của ngân hàng).
Do đó, các cá nhân không thuộc 3 nhóm này không có quyền tiếp cận sao kê tài khoản ngân hàng. Trong một phạm vi nào đó, người dân hoặc công chúng không thể biết được nghệ sĩ có phân phối các khoản đóng góp của họ hay không? Nghệ sĩ thì mặc nhiên xem như không có nghĩa vụ phải công khai nội dung sao kê đối với công chúng.
Được quyền vận động, không được quyền tiếp nhận và phân phối
Luật sư Đào Kim Lân – Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, mấu chốt vấn đề kêu gọi, vận động quyên góp bằng tài khoản cá nhân của bất cứ người nào rồi sau đó tự ý quyết định việc cứu trợ ai, cứu trợ cái gì, cứu trợ như thế nào, cứu trợ bao nhiêu… đã là không đúng pháp luật.
Còn việc có minh bạch hay không, có thực hiện đúng, đủ hay không, có ăn chặn hay có mờ ám gì không, đó là phần sau của sự việc.
Nghệ sĩ, ca sĩ nhận tiền từ thiện của người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. |
Luật sư Lân dẫn giải, tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 và Thông tư 72/2008/TT-BTC ngày 21/07/2008 vẫn còn hiệu lực cho đến nay thì tổ chức, cá nhân được quyền đóng góp hoặc vận động đóng góp tiền, hàng để "hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo".
Tuy nhiên, việc "tiếp nhận và phân phối" phải do những tổ chức sau đây thực hiện gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cấp ở địa phương; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các cấp ở địa phương, Báo đài của Trung ương và địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động theo quy định...
Luật sư Đào Kim Lân nhấn mạnh: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ" căn cứ theo Khoản 3, Điều 5 Nghị định 64.
Đối chiếu theo các quy định về việc thành lập Quỹ tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 và Thông tư 04/2020/TT-BNV ngày 13/10/2020 thì không thấy có Quỹ Trấn Thành, Quỹ Hoài Linh hay Quỹ Thủy Tiên nào được phép hoạt động như thời gian qua.
Luật sư Lân cho rằng, rõ ràng việc các cá nhân lấy danh nghĩa và quan hệ của mình vận động cứu trợ nhưng lại tổ chức tiếp nhận và tự phân phối đã vi phạm các quy định nói trên.