Cụ thể, doanh thu của Nvidia trong quý tài chính thứ hai (tính đến ngày 30/7) tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục là 13,5 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng chạm mốc 6,2 tỷ USD, tăng 843% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước sự bùng nổ của công nghệ AI, tập đoàn có trụ sở ở bang California này dự báo doanh thu quý tài chính tiếp theo có thể lên tới 16 tỷ USD.
Sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 8% trên thị trường chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của tập đoàn đã tăng gấp 3 lần.
Giám đốc điều hành (CEO) của Nvidia, ông Jensen Huang nhận định: “Một kỷ nguyên máy tính mới đã bắt đầu". Ông cho biết AI tạo sinh và công nghệ điện toán đang thúc đẩy quá trình chuyển dịch ngành công nghiệp máy tính trên diện rộng. Theo ông, AI đem đến cách thức mới giúp tăng năng suất, cung cấp dịch vụ mới và việc đẩy nhanh công nghệ điện toán sẽ giúp tiết kiệm tiền và nguồn lực.
Chuyên gia Dan Ives của công ty Wedbush Securities đánh giá kết quả lợi nhuận ấn tượng của Nvidia sẽ tác động tích cực đến toàn bộ ngành công nghệ trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023.
Thời gian qua, Nvidia đã hưởng lợi đáng kể từ làn sóng AI, giúp tập đoàn đạt giá trị vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD. Nvidia chuyên sản xuất bộ xử lý đồ họa (GPU) - công nghệ chip thiết yếu trong quá trình phát triển công cụ AI tạo sinh như chatbot ChatGPT, cũng như bộ nhận dạng hình ảnh, khuôn mặt và giọng nói. Bên cạnh đó, hãng cũng cung cấp dịch vụ và thiết bị máy tính chuyên sâu về AI.
Với thiết kế dùng cho đồ họa game, mỗi con chip GPU của Nvidia có chi phí lên tới hàng nghìn USD. Các khách hàng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận chip AI của Nvidia, do các tập đoàn lớn, công ty khởi nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, chính phủ các nước đang tăng cường dự trữ chip GPU nhằm bắt kịp với cuộc cách mạng AI. Hiện có lo ngại rằng Nvidia có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu do tập đoàn này chỉ thiết kế, rồi giao khâu sản xuất cho doanh nghiệp khác, trong đó có TSMC của Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, Nvidia cũng dễ bị tổn thương trước biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, việc Chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu dòng chip hiệu suất cao nhất của Nvidia sang Trung Quốc buộc tập đoàn phải sản xuất các phiên bản chip có hiệu suất chậm hơn sang thị trường tỷ dân này. Nhà Trắng đang cân nhắc áp đặt thêm các lệnh hạn chế xuất khẩu, điều này sẽ giới hạn hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của Nvidia.
Giám đốc tài chính (CFO) Nvidia, bà Colette Kress cảnh báo nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục có hành động cứng rắn, về lâu dài, điều này sẽ làm đánh mất cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu của ngành công nghiệp Mỹ tại một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu.