Những năm trước, Alibaba nhắm tới nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các mặt hàng máy giặt, điện thoại thông minh và đồ trang điểm. Tuy nhiên, điểm nhấn trong chương trình bán hàng năm nay là các sáng kiến như hỗ trợ người khuyết tật mua quần áo và các nỗ lực nhằm sử dụng nhiều hơn nữa bao bì thân thiện với môi trường. Hoạt động quảng bá về lễ hội mua sắm của Alibaba năm nay cũng tương đối im ắng so với các sự kiện rầm rộ trước đây. Dù vậy, sự kiện vẫn thu hút hàng triệu người bán hàng và các tín đồ mua sắm dõi theo. Hàng nghìn đơn hàng được chốt chỉ trong tích tắc. Các gian bán hàng từ mỹ phẩm cho tới giày thể thao... được phát trực tuyến trên các nền tảng của Alibaba gồm Taobao và các trang thương mại Tmall marketplace.
Alibaba cho biết tính đến trưa 11/11, từng thương hiệu trong số gần 400 thương hiệu, kể cả "Trái táo cắn dở" Apple Inc nổi tiếng của Mỹ và Tập đoàn hóa mỹ phẩm L'Oreal SA của Pháp, thu về trung bình 15 triệu USD.
Kết quả kinh doanh trên càng trở nên ấn tượng trong bối cảnh sức mua tổng thể tại Trung Quốc chững lại thời gian qua do tác động của dịch COVID-19. Trước đó, giới phân tích dự báo tổng giá trị đơn hàng của Alibaba sẽ tăng nhẹ trong năm nay do doanh số bán lẻ chậm lại, thiếu nguồn cung, cuộc khủng hoảng điện trong nước và ảnh hưởng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
Ngày Lễ độc thân 11/11 đã được Alibaba biến thành sự kiện mua sắm kể từ năm 2009, đồng thời chuẩn bị cho dịp mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới Cyber Monday tại Mỹ. Kể từ đó, lễ hội mua sắm này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng tại Trung Quốc. Năm ngoái, sự kiện mua sắm của Alibaba kéo dài trong 11 ngày với giá trị đơn hàng đạt 74 tỷ USD.
Trong bối cảnh các cơ quan chức năng Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động thương mại điện tử, Alibaba đã giảm bớt chiến dịch tiếp thị rầm rộ, đồng thời chú trọng tăng trưởng bền vững trong năm nay.