Nhưng trong sáu năm vừa qua, có đến một nửa số bệnh nhân ung thư phổi của bác sĩ Kumar là người không hút thuốc, và có tới 40% là phụ nữ. Có thêm nhiều bệnh nhân ít tuổi, với 8% chỉ trong lứa tuổi 30, 40.
Bác sĩ Kumar cho rằng, những thay đổi này xuất phát từ một nguyên nhân rõ ràng: không khí ô nhiễm hơn do khí thải từ động cơ diesel, khói bụi từ các công trình xây dựng, khí thải công nghiệp, khói đốt đồng giải phóng một lượng lớn chất độc hại vào bầu không khí.
Làn “sương” mờ bao phủ New Delhi. Ảnh: AP. |
Ngay cả trong phổi của những bệnh nhân thanh thiếu niên, bác sĩ Kumar cũng tìm thấy những chất lặng cặn màu đen - một hiện tượng gần như không xảy ra 30 năm về trước. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giờ đây đã trở thành bệnh lý gây tử vong hàng thứ hai ở Ấn Độ chỉ sau bệnh tim mạch.
“Nếu những bệnh nhân này có cặn đen trong phổi ở tuổi thiếu niên, thì 20 năm nữa tình trạng của họ sẽ còn tồi tệ đến đâu?” bác sĩ Kumar đặt câu hỏi. “Đây là một cuộc khủng hoảng thầm lặng, một tình trạng khẩn cấp”.
Theo số liệu về bụi mịn do vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA thu thập được, hiện Ấn Độ là quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất với hơn 99% dân số đang phải hít thở bầu không khí với chỉ số bụi mịn PM2.5 vượt quá nhiều lần so với giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới WHO đặt ra.
Người dân Ấn Độ phải “chung thủy” với khẩu trang khi đi ra đường. Ảnh: AFP |
Ấn Độ không phải nạn nhân duy nhất của tình trạng ô nhiễm không khí. Mức độ ô nhiễm tại hầu hết các quốc gia châu Á khác cũng đang vượt nhiều lần so với giới hạn an toàn của WHO, đe dọa sức khỏe của 4,5 tỷ người tương đương với 60% dân số thế giới.
Trước đây, khi nói đến ô nhiễm không khí, Trung Quốc là quốc gia thường bị nêu tên nhiều nhất. Nhưng thống kê số liệu về chỉ số bụi mịn trong khoảng 20 năm trở lại đây cho thấy Ấn Độ đang trong tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều so với nước láng giềng của mình.
Dù số người phải hít thở không khí độc hại hơn mức an toàn của WHO là ngang nhau ở hai quốc gia, nhưng Ấn Độ có số người phải sống tại những khu vực ô nhiễm nghiêm trọng cao hơn. Có tới 140 triệu người Ấn Độ đang phải thở thứ không khí có chỉ số bụi mịn cao gấp 10 lần mức cho phép, tương đương tổng dân số của hai nước Anh và Pháp cộng lại.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học quốc tế The Lancet đưa ra ước tính rằng, trong năm 2017, ô nhiễm không khí đã lấy đi mạng sống của 1,24 triệu người Ấn Độ - một nửa trong số đó dưới 70 tuổi. Tình trạng ô nhiễm làm giảm tuổi thọ trung bình của đất nước này tới 1,7 năm. Tất cả 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới giới đều nằm ở miền bắc Ấn Độ.
Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu trong chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thì cho rằng không khí ở thủ đô New Delhi không ô nhiễm hơn là bao so với những thành phố lớn khác trên thế giới, ví dụ như London.
Các nhà máy là một trong những nguyên nhân tạo ra bầu không khí ô nhiễm. |
Ông Harsh Vardhan, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ đồng thời là một bác sĩ, không cho rằng không khí bẩn gây ra những hậu quả đáng kể về sức khỏe. Ông này khẳng định ô nhiễm không khí chỉ là nguy cơ đối với những người có sẵn bệnh lý về phổi. Tuy nhiên, niềm tin này đi ngược lại với những nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí gây ra hàng loạt tác động, trong đó có làm tăng nguy cơ hen suyễn, đau tim và đột quỵ, ức chế sự phát triển của thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển buồng phổi ở trẻ em và gây ra một số khuyết tật về thần kinh. Nhưng những nghiên cứu quốc tế dường như chưa đủ sức thuyết phuc. Bộ trưởng Vardhan khẳng định Ấn Độ cần tiến hành những nghiên cứu của riêng mình để xác định xem không khí bẩn có thật sự có hại với người khỏe mạnh. Trong lúc này, bác sĩ Kumar cho rằng, sự dè dặt của chính quyền New Delhi trong việc ghi nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ô nhiễm ở thành phố này xuất phát từ sự ngần ngại áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để xử lý các nguồn gây ô nhiễm. Hành động mạnh tay chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới lợi ích của ngành chế tạo ô tô, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như ngành nhiệt điện, ngành xây dựng và ngành nông nghiệp. Tăng trưởng kinh tế cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng.
“Không phải họ không nhận thức được vấn đề, nhưng họ vẫn muốn chối bỏ nó”, bác sĩ Kumar nói. “Những biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề sẽ không hề dễ dàng”. Tuy nhiên, theo nhà hoạt động vì môi trường Sunita Narain, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học Môi trường New Delhi, thái độ của chính quyền đã có sự chuyển biến kể từ mùa đông năm 2017, khi mức độ ô nhiễm không khí lên một mức cao kỷ lục buộc nhiều trường học phải đóng cửa trong nhiều ngày.
“Đó là một bước ngoặt”, bà Narain nói. “Đã có nhiều người phẫn nộ vì vấn đề ô nhiễm hơn, và chính quyền đang phải hành động bởi họ cũng đã bắt đầu hiểu nguy cơ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do tình trạng này”.
Địa hình của miền bắc Ấn Độ đồng nghĩa với việc ô nhiễm phát sinh từ đây không dễ dàng được trung hòa, bởi dãy núi Himalaya tạo thành một hành lang phía bắc, khiến không khí bẩn không thể khuếch tán. “Chúng ta sống trong một khu vực không có gió vào mùa đông”, bà Narain nói. “Hãy hình dung nó giống như một cái bát khổng lồ. Trong hoàn cảnh đó, việc phải giải quyết vấn đề ô nhiễm ngay tại gốc rễ là điều tối cần thiết”.
Những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất tại Ấn Độ hiện nay đang là phương tiện giao thông, khí thải công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, công trình xây dựng, lò đốt rác và hàng triệu hộ gia đình sử dụng nguồn năng lượng bẩn như củi và phân bò khô trong sinh hoạt hàng ngày. Và cứ đến tháng 11 hàng năm, bầu không khí lại càng trở nên ô nhiễm hơn khi hàng triệu nông dân ở các bang Punjab và Haryana đốt rơm rạ sau mùa gặt.
Tuy nhiên, bà Narain cũng cho rằng dưới áp lực từ Tòa án Tối cao, chính quyền New Delhi trong hai năm qua đã có những động thái đáng ghi nhận để cải thiện vấn đề ô nhiễm không khí.
Ấn Độ đã đẩy sớm thời hạn áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về năng lượng và khí thải lên năm 2020. Sau thời điểm này, các phương tiện giao thông mới phải đáp ứng những tiêu chuẩn về khí thải cao hơn. Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng đã cung cấp vỏ bình gas cho hơn 50 triệu hộ gia đình nghèo để giảm thiểu việc sử dụng các loại năng lượng sinh khối gây ô nhiễm. Tuy nhiên, do gas vẫn là thứ năng lượng đắt tiền nên năng lượng sinh khối vẫn đang tiếp tục được sử dụng tràn lan, là một nguồn chính gây ô nhiễm không khí.
Chính quyền của Thủ tướng Modi cũng đang thúc đẩy những kế hoạch đầy tham vọng để nâng cao năng lực sản xuất các loại năng lượng tái tạo, trong đó có cả năng lượng mặt trời, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao. Những khoản đầu tư lớn đã biến năng lượng tái tạo trở thành nguồn sản xuất điện lớn thứ hai của Ấn Độ.
Tuy vậy, 246 nhà máy điện than của Ấn Độ - hầu hết trong số đó hoạt động không hiệu quả và gây ô nhiễm nặng nề - vẫn đang chiếm tới 60% nguồn sản xuất điện của nước này với tổng sản lượng lên tới 188GW. Than được dự báo vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ đạo trong sản xuất điện của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ tới.
Trong khi Ấn Độ đã ban hành nhiều tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt đối với các nhà máy điện, các công ty nhà nước, vốn sở hữu đa số nhà máy điện than của nước này, đã không tuân thủ các tiêu chuẩn này. Các nhà hoạt động vì môi trường đang nỗ lực buộc các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm. “Mức độ ô nhiễm đã trở nên rất nghiêm trọng, vì vậy chúng ta cần phải hành động nhanh chóng hơn nữa”, bà Narain nói.
Các chuyên gia y tế như bác sĩ Kumar cũng đang mong muốn đóng góp vào những nỗ lực này bằng cách nâng cao nhận thức của người dân nhằm tạo áp lực cho sự thay đổi. “Chúng ta phải xoay chuyển tình thế để chính phủ từ chỗ lo sợ hậu quả nếu họ hành động”, ông nói, “tới chỗ họ phải lo sợ hậu quả nếu không hành động”.
Dùng súng phun nước “rửa” không khí
Giải pháp này của Ấn Độ được chính phủ đem vào ứng dụng thực tế kể từ năm 2017, khi nồng độ khói bụi độc hại của thành phố New Delhi đã lên tới mức nguy hiểm cực cao so với bình thường. Chúng được chế tạo bởi CloudTech, một công ty công nghệ của Ấn Độ với trụ sở nằm gần ngoại ô New Delhi.
Ban đầu, những khẩu súng này được thử nghiệm tại vùng Anand Vihar thuộc phía bắc New Delhi, nơi được đánh giá có nồng độ khói bụi nặng nề nhất. Khẩu súng này thực ra là một cỗ máy với thành phần chính là bể nước lớn đằng sau, đặt trên xe tải để có thể di chuyển cơ động. Vòi nước chuyên dụng của thùng xe sẽ phun nước ở dạng phân tán cực nhỏ gần như hơi nước, với phạm vi phun tối đa là bán kính 70 m. Các hơi nước nhỏ sau khi được phun ra sẽ kết dính với khói bụi lơ lửng trong không khí, khiến chúng nặng hơn và rơi xuống ngưng tụ trên mặt đất.
Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, biện pháp trên đã vấp phải một số hoài nghi. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, phương pháp này chỉ hoạt động hiệu quả dưới hình thức tạm thời, nên dùng ở các khu vực phạm vi giới hạn như công trường xây dựng vào thời gian thi công cao điểm. Còn khi mở ra quy mô cả một bầu không khí rộng lớn cho cả thành phố, nó sẽ không thể cải thiện bầu không khí.