Công tố viên đặc biệt Santokh Singh tuyên bố sẽ kháng cáo các bản án được thông qua chống lại các bị cáo, cùng với quyết định tha bổng một người nghi phạm liên quan khác.
"Tòa án đã có một quyết định đáng ngờ. Và phía công tố chắc chắn sẽ nộp đơn kháng cáo ... chúng tôi cũng đang nộp đơn kháng cáo đối với tất cả các trường hợp còn lại", ông Singh nói.
Một bị cáo khác, vốn chưa thành niên, cũng đang trải qua một phiên tòa xét xử riêng.
Nạn nhân 8 tuổi thuộc một nhóm du mục Hồi giáo được gọi là Bakarwals và được luật pháp Ấn Độ bảo vệ, đã bị bắt cóc khi cô bé đang đứng một mình trên một cánh đồng chăn thả ngựa ở thị trấn Kathua tại Jammu.
Những người đàn ông bị kết án, tất cả đều là người theo đạo Hindu, đã nhốt nạn nhân trong một ngôi đền suốt 5 ngày, cô bé đã bị đánh thuốc mê và liên tục bị hãm hiếp, trước khi bị siết cổ và bị đá đập vào đầu. Thi thể của nạn nhân sau đó được phát hiện trong một khu rừng gần ngôi đền.
Các công tố viên cho rằng các bị cáo đã thực hiện hành động này nhằm mục đích xua đuổi cộng đồng người Hồi giáo trong khu vực.
Ngay sau khi kẻ thủ ác chính thức bị buộc tội, một nhóm các nhà hoạt động cánh hữu cùng với người dân địa phương liên kết với Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã đổ ra đường biểu tình nhằm kêu gọi tái điều tra toàn bộ vụ án do lo ngại có sự can thiệp chính trị và phân biệt tôn giáo.
Lo ngại về những lỗ hổng trong hệ thống tư pháp của tiểu bang Jammu và Kashmir đã dẫn đến phán quyết của Tòa án Tối cao vào tháng 5 năm ngoái, qua đó ra lệnh việc xét xử các bị cáo sẽ được chuyển đến bang láng giềng Punjab, chính quyền bang Jammu và Kashmir đã lên tiếng phản đối mệnh lệnh này.
Đây được coi là một trong những vụ hãm hiếp tàn bạo nhất lịch sử Ấn Độ khiến hàng nghìn người đổ ra đường biểu tình trên khắp cả nước vào tháng 4 năm 2018, sau vụ việc một nữ sinh viên đại học ở Delhi bị hãm hiếp và sát hại vào năm 2012.
Phản ứng của công chúng đã thúc đẩy chính phủ Ấn Độ đưa ra dự luật mới cho phép ban hành án tử hình cho những người bị kết án cưỡng hiếp trẻ em dưới 12 tuổi.
Theo báo cáo của Đại học Luật Quốc gia Ấn Độ, 9 người đã bị kết án tử hình theo luật bạo lực tình dục mới.
Ấn Độ đang phải vật lộn với vấn đề bạo lực tình dục trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, bất chấp sự ra đời của nhiều điều luật nghiêm ngặt hơn trong những năm gần đây, khoảng 100 vụ tấn công tình dục được cảnh sát ghi nhận mỗi ngày, theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia.