Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Archives of Disease in Childhood ngày 12/5, gần 50% trong số trẻ từ 4 tháng tuổi bị hóc nam châm buộc phải trải qua phẫu thuật. Trong 4 năm, từ năm 2016 đến hết năm 2020, 4 bệnh viện lớn ở Đông Nam nước Anh, Liên hiệp các Vương quốc Anh và Bắc Ireland, đã ghi nhận 251 trường hợp trẻ nhỏ bị hóc dị vật. Trong số các dị vật, đồng xu chiếm 37%, đầu nam châm là 21% và pin kích cỡ nhỏ là 17%.
Riêng số ca học dị vật nam châm, chủ yếu là nam châm sáng màu có hình dạng giống hình que diêm trong các bộ lắp ghép đồ chơi, đã tăng gấp 5 lần. Bác sĩ phẫu thuật Hemanshoo Thakkar, Bệnh viện nhi Evelina London, cho biết các bệnh viện thường áp dụng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở ổ bụng để lấy dị vật ra ngoài. Đáng chú ý, một nửa trong số trường hợp hóc nam châm này là những ca phức tạp.
Theo bác sĩ Thakkar, các dị vật sẽ làm thủng đường ruột của trẻ, dẫn tới tình trạng nhiễm trùng, tổn thương đường tiêu hóa, xoắn và loét ruột, nhiễm độc máu... Thậm chí có những trường hợp bác sĩ phải cắt bỏ một đoạn ruột do tình trạng quá nặng, hay có trường hợp trải qua nhiều lần phẫu thuật và điều trị trong 6 tháng ở bệnh viện.
Việc nuốt phải nam châm thậm chí có thể đe dọa tính mạng hơn nếu trẻ nuốt nhiều hơn một cục nam châm. Nếu một nam châm bị mắc kẹt trong ruột kết và nam châm kia ở trong ruột non, các nam châm đó có thể dính vào nhau qua thành ruột. Điều này có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu hoặc làm rách một lỗ trong ruột, cho phép chất thải rò rỉ vào cơ thể. Những tác động này có thể khiến trẻ bị ốm nặng và có thể gây tử vong.
Tại Anh, Chính phủ đã yêu cầu các nhà sản xuất đồ chơi phải gắn thông tin cảnh báo trên tất cả đồ chơi có chứa nam châm, song hầu hết các cảnh báo được trình bày không nổi bật và không gây chú ý cho người sử dụng. Độ tuổi thích hợp để sử dụng các đồ chơi xếp hình có nam châm thường từ 14 tuổi trở lên. Dù vậy, nghiên cứu cho thấy độ tuổi trung bình ở trẻ bị hóc nam châm tại Anh là 7 tuổi. Những nam châm đồ chơi thường có kích thước nhỏ, nhiều màu sắc thu hút sự chú ý của trẻ. Việc ngày càng có nhiều quảng cáo trên ti vi hoặc các nền tảng trực tuyến cũng vô hình chung giúp các loại đồ chơi này phổ biến hơn.
Không chỉ Anh, nước Mỹ cũng ghi nhận nhiều vụ hóc nam châm ở trẻ nhỏ. Trong một bài bình luận đăng tải hồi năm ngoái, ông Bryan Rudolph, trợ giảng tại Bệnh viện Nhi ở Montefiore, New York cho biết ước tính có gần 20.000 vụ hóc nam châm tại Mỹ kể từ khi đồ chơi nam châm xuất hiện tại thị trường nước này trong hơn 10 năm qua.
Để tránh tình trạng này xảy ra, hãy loại bỏ bất kỳ đồ chơi nào có nam châm xung quanh trẻ nhỏ. Nếu trẻ nuốt phải nam châm, hoặc nếu bạn nghĩ rằng trẻ nuốt phải nam châm, cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu. Những biểu hiện ở trẻ khi bị hóc dị vật mà người lớn nên chú ý: Ho khan, nôn ra máu, khó nuốt, chảy nước dãi, tức ngực, đau bụng, nôn mửa, có vấn đề khi đi vệ sinh.