Bộ trưởng Nội vụ Australia cho biết lực lượng biên phòng Australia thậm chí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngôi sao quần vợt này xuất cảnh nếu muốn. Tuy nhiên, Novak Djokovic vẫn ở lại Australia theo ý muốn cá nhân.
Bà Andews cũng bảo vệ quyết định của lực lượng biên phòng về việc giữ Novak Djokovic tại một khách sạn ở thành phố Melbourne, hiện được sử dụng làm nơi tạm giữ người nhập cư.
Bà cho biết không có khả năng tay vợt số 1 thế giới sẽ được chuyển đến nơi khác và ở cùng với đội của mình cho đến khi đơn kiện về vấn đề thị thực của Djokovic được xem xét vào đầu tuần tới. Bà Andrews nói: “Chúng tôi đã luôn rõ ràng rằng ông Djokovic sẽ được đối xử giống như những người khác trong hoàn cảnh tương tự ở Australia”.
Khi được hỏi chính xác điều gì đã xảy ra với tay vợt Djokovic, bà Andrews cho biết để nhập cảnh vào Australia, du khách nước ngoài cần có thị thực hợp lệ cũng như phải đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh, trong trường hợp này là bằng chứng về việc tiêm chủng COVID-19. Bộ trưởng Nội vụ Australia cũng nhấn mạnh, cá nhân mỗi du khách phải chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh của Australia.
Trong một diễn biến liên quan, Lực lượng Biên phòng Australia ngày 7/1 xác nhận đang xem xét hai trường hợp tương tự đã sử dụng thư miễn trừ do Hiệp hội quần vợt Australia cấp để làm cơ sở cho việc miễn trừ y tế khi nhập cảnh vào nước này.-
Ngôi sao quần vợt số 1 thế giới Djokovic đến Melbourne để tham dự giải Australia mở rộng, nơi anh từng giành 9 giải vô địch. Trước khi khởi hành, Djokovic chia sẻ thông tin trên Instagram cá nhân rằng anh đã được đặc cách tham gia giải Australia mở rộng mà không phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng Australia ra thông báo cho biết do không cung cấp đủ giấy tờ đáp ứng quy định nhập cảnh Australia nên thị thực nhập cảnh của Djokovic bị hủy.
Khi đến sân bay Melbourne tối 5/1, Djokovic đã bị giới chức biên phòng Austrlia chặn lại vì không có chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19.
Sau đó, anh được chuyển đến cơ sở tạm giữ người di cư ở Melbourne. Djokovic sau đó đã đệ đơn kháng nghị quyết định trục xuất của cơ quan chức năng Australia đối với anh.