Báo cáo "Từ phục hồi đến đổi mới" của IDB chỉ ra rằng, hiện nay, xung đột vũ trang Nga-Ukraine đã làm trầm trọng hơn và đẩy nhanh áp lực lạm phát, đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, thế giới đang trải qua một "cú sốc" tài chính và điều này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì lý do này, IDB nhận định Mexico và các nước khác trong khu vực Trung Mỹ sẽ bị ảnh hưởng mạnh do giá các mặt hàng cơ bản tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu.
Theo tổ chức tài chính này, trong khu vực Mỹ Latinh, Brazil sẽ là quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất, bởi nền kinh tế lớn nhất khu vực được cho là có quan hệ thương mại với các nước châu Âu nhiều hơn so với Mỹ.
Ông Eric Parrado, nhà kinh tế trưởng của IDB, đánh giá rằng khu vực Mỹ Latinh mới chỉ bắt đầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19 để lại, nhưng với tỷ lệ nghèo đói cao hơn, chính phủ các quốc gia trong khu vực cần áp dụng các biện pháp tài chính khẩn cấp để giảm nhẹ các tác động xấu từ bên ngoài.
Theo IDB, giá nguyên liệu thô tăng là thuận lợi trong ngắn hạn đối với khu vực Mỹ Latinh và Caribe, song lợi thế sẽ giảm dần theo thời gian và giá cả trong tương lai sẽ trở lại bình thường. IDB dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình tại Mỹ Latinh và Caribe trong giai đoạn từ 2022 đến 2024 sẽ ở mức 1,1%.