Sau hai năm rưỡi đàm phán với EU, kết quả cuối cùng của bản thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu vẫn hết sức mông lung, khiến một kịch bản Brexit "cứng" đang dần trở thành hiện thực.
Bà May đã đưa ra tối hậu thư cho những người ủng hộ Brexit: Phê chuẩn thỏa thuận của bà sát thefma hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu vào ngày 21/3 hoặc sẽ phải trì hoãn thời hạn rút khỏi EU sau ngày 30/6.
Nữ Thủ tướng cảnh báo rằng Vương quốc Anh sẽ buộc phải tham dự cuộc bầu cử quốc hội ở châu Âu dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 nếu thời hạn rời khỏi EU được trì hoãn.
"Nếu đề xuất là quay trở lại và đàm phán một thỏa thuận mới (với EU), điều đó có nghĩa là phải trì hoãn thời hạn Brexit - điều này gần như chắc chắn yêu cầu Vương quốc Anh tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5", bà May phát biểu trên tờ Sunday Telegraph.
"Ý tưởng về việc người dân Anh sẽ tham gia cuộc bầu cử ở Nghị viện châu Âu vào 3 năm sau khi bỏ phiếu để rời khỏi EU thật khó có thể nghĩ đến. Không thể có biểu tượng nào mạnh mẽ hơn về sự thất bại chính trị tập thể của Quốc hội như vậy", bà May chỉ ra.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét việc thúc ép Anh trì hoãn Brexit ít nhất 1 năm để tìm cách giải quyết rắc rối trong nước, mặc dù bất ngờ và thiếu kiên nhẫn trước sự hỗn loạn chính trị ở London.
Thỏa thuận của bà May - một nỗ lực để giữ mối quan hệ chặt chẽ với EU sau khi rời khỏi tổ chức này, đã bị đánh bại bởi 230 phiếu chống tại Hạ viện ANh vào ngày 15/1 và 149 phiếu chống vào ngày 12/3 vừa qua.
Nhưng Thủ tướng Anh sẽ tiếp tục đấu tranh cho bản thỏa thuận của mình, dự kiến sẽ đưa ra trước các nhà lập pháp lần thứ ba vào thứ Ba tuần tới.
Để giúp kế hoạch Brexit được thông qua, Thủ tướng May phải chiến thắng hàng chục cử tri ủng hộ Brexit trong Đảng Bảo thủ của chính bà và Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ailen (DUP) để nắm quyền lãnh đạo chính phủ thiểu số của bà.
"Tôi biết rằng tôi sẽ phải làm nhiều hơn nữa để thuyết phục những người khác, như đảng DUP, nếu muốn bảo vệ bản thỏa thuận của mình", bà May chỉ ra.
Đảng DUP cho biết hôm thứ Bảy rằng họ đang tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán với chính phủ nhưng vẫn có những tranh luận từ phía Ailen.
Những thay đổi được đề xuất sẽ giải quyết phần gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận "ly hôn" - đó là đảm bảo một biên giới "mềm" giữa Cộng hòa Ailen (thành viên của EU) và Bắc Ailen thuộc Vương quốc Anh
DUP cũng đang yêu cầu chính phủ Anh một vị trí trong các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit nếu muốn nhận được sự hỗ trợ cho bản thỏa thuận.
ÔNg John McDonnell - người đứng đầu chính sách tài chính của đảng Lao động đối lập cho biết hôm thứ Bảy rằng mình lo ngại sự xuất hiện của Bộ trưởng Tài chính AnhPhilip Hammond, trong các cuộc đàm phán vào thứ Sáu có thể đồng nghĩa với việc chính phủ đang bỏ tiền cho DUP để hỗ trợ bản thỏa thuận.
"Việc này sẽ bị cử tri Anh chính thức coi là tham nhũng chính trị và sẽ hạ bệ hệ thống chính trị của chúng ta trong mắt thế giới", ông McDonnell nói.
Phía DUP phủ nhận rằng họ đang muốn nhận được sự giúp đỡ tài chính từ chính phủ.
Quá tam ba bận?
Sau 3 ngày đầy kịch tính tại Quốc hội trong tuần này, các nhà lập pháp Anh đã bỏ phiếu vào thứ Năm để chính phủ yêu cầu EU trì hoãn thời hạn rời khỏi châu Âu, vốn được ấn định vào ngày 29/3.
Bà May nói rằng mình muốn giảm thiểu bất kỳ sự chậm trễ nào nhưng để đạt được điều đó, bà sẽ cần quốc hội ủng hộ thỏa thuận của mình vào lần bỏ phiếu thứ ba vào giữa tuần tới.
Nữ Thủ tướng sẽ cần 75 nhà lập pháp thay đổi phiếu bầu của mình, nếu có thể "chinh phục" được DUP và các cử tri trong đảng Bảo thủ của mình, bà May gần như có thể đạt được con số phiếu bầu mình mong muốn.
Một nhà lập pháp theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu thuộc đảng Bảo thủ - ông Daniel Kawczynski, cho biết sẽ ủng hộ thỏa thuận của bà May bởi nếu không Brexit sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Khoảng 20 nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ dường như chưa bao giờ hài lòng với bản thỏa thuận, nhưng bà May có thể thu hút một số ít các nhà lập pháp thuộc đảng Lao động đối lập.