Trong quá trình điều tra bổ sung vụ án 9 bệnh nhân thiệt mạng khi chạy thận, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình vừa ra quyết định thay đổi tội danh với bác sĩ Hoàng Công Lương từ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sang Vô ý làm chết người với khung hình phạt từ sáu tháng đến 10 năm (theo điều 98 Bộ luật hình sự 1999).
Đây là lần thứ ba Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh, lần đầu tiên là tội Vi phạm quy định về chữa bệnh
Hoàng Công Lương nói với VnExpress rằng việc Công an Hoà Bình khởi tố sang tội Vô ý làm chết người là không hợp lý. Anh khẳng định "mình không phạm tội".
Giữa tháng 7, Hoàng Công Lương bị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh với lý do đã bị khởi tố. Hiện, Hoàng Công Lương vẫn đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng không trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân.
Trước đó, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo, bác sĩ Hoàng Công Lương thiếu trách nhiệm.
Ngày 5/6, sau 12 ngày xét xử sơ thẩm Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc, TAND thành phố Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ một số vấn đề.
HĐXX kiến nghị xem xét trách nhiệm nguyên giám đốc Bệnh viện Trương Quý Dương và Giám đốc công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn do nghi ngờ có sai phạm trong việc ký hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo.
Sau hơn một tháng từ ngày trả hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) khởi tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc bệnh viện) và ông Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư). Ngày 24/8, ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nâng số bị can trong vụ án lên 6 người.