'Bản tình ca trên núi cao' - thử nghiệm mới cho sân khấu múa rối cạn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vở rối “ Bản tình ca trên núi cao ” được Nhà hát Múa rối Việt Nam dàn dựng theo hình thức thể nghiệm mới cho sân khấu múa rối cạn đã mang tới cho khán giả những trải nghiệm thú vị, độc đáo.
Một không gian sân khấu đầy lãng mạn cho các nhân vật. (Nguồn: Báo Văn hóa)
Một không gian sân khấu đầy lãng mạn cho các nhân vật. (Nguồn: Báo Văn hóa)

Bản tình ca trên núi cao

Vở diễn “Bản tình ca trên núi cao” - do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng - kể về tình yêu của cặp đôi trai gái người dân tộc Mông là chàng Nùng Phai và nàng Gau Dự.

Nàng Gau Dự, một cô gái đẹp như bông hoa rừng chớm nở, say mê tiếng khèn của chàng trai tài giỏi Nùng Phai. Tình yêu của Nùng Phai-Gau Dự cứ êm đềm, ngọt ngào theo năm tháng. Bỗng một ngày, hổ dữ hiện bóng khổng lồ, dùng bàn tay phép thuật biến Gau Dự thành đồng loại của mình hòng chiếm được tình yêu của nàng.

Để cứu người yêu, Nùng Phai đã tìm đến hang hổ, bằng tiếng khèn và tình yêu chân thành của mình, chàng đã đưa Gau Dự trở lại làm người.

Có thể nói, với cốt truyện mộc mạc và đề tài quen thuộc về tình yêu đôi lứa, vở diễn “Bản tình ca trên núi cao” đã mang đến cho người xem thông điệp đầy tính nhân văn: tình yêu chân thành xuất phát từ trái tim có thể vượt qua mọi trở ngại, chiến thắng mọi khó khăn, đem lại hạnh phúc cho con người.

Cốt truyện trong kịch bản tuy có phần đơn giản nhưng với tâm huyết sáng tạo của êkíp dàn dựng, qua ngôn ngữ thể hiện của nghệ thuật múa rối, cách tạo trò và tạo hình nhân vật khác với cách dựng truyền thống của các vở múa rối cạn thông thường, “Bản tình ca trên núi cao” đã mang đến nhiều cảm xúc, trải nghiệm vô cùng thú vị, mới lạ cho người xem.

Mỗi nhân vật trong vở rối đều có tạo hình rất ấn tượng và rõ nét phù hợp với từng tính cách. Khán giả đặc biệt thích thú và ấn tượng với sự biến đổi tính cách và màn “biến hóa” thay đổi của ngoại hình của nàng Gau Dự, từ một cô gái xinh đẹp bị hóa phép thành một con hổ dữ khát máu, đầy móng vuốt.

Có thể nói, lâu nay, việc thể hiện tính cách và thay đổi hình dạng là điều khó khăn đối với tạo hình nhân vật trên sân khấu múa rối nhưng trong vở diễn này, các nghệ sỹ đã làm rất thành công.

Chỉ riêng việc thể hiện đôi mắt của nàng Gau Dự, khi là con người thì có đôi mắt thật hiền lành, khi hóa hổ lại có đôi mắt ác độc với hố mắt xoay tròn, lấc láo... cũng cho thấy sáng tạo tài tình của đạo diễn và họa sỹ tạo hình.

Quá trình thay đổi gương mặt của nàng Gau Dự, biến hóa từ mặt người sang mặt hổ, thay đổi từ bàn tay người sang móng vuốt… cùng với nghệ thuật diễn xuất tài tình, phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của 3 nghệ sỹ đã tạo nên một nàng Gau Dự đa tính cách trên sân khấu múa rối.

Câu chuyện cũ, cách dựng mới

Từ một vở rối kinh điển với hình thức đơn giản và chủ đạo là dùng rối que để biểu diễn trong lần dàn dựng cách đây 60 năm, lần này, êkíp dàn dựng “Bản tình ca trên núi cao” đã mang tới một hình thức thể hiện sân khấu rối mang tính đương đại. Những xử lý về tạo hình, trang phục, thiết kế sân khấu, âm nhạc... đều có tìm tòi mới mẻ, vừa hấp dẫn, vừa “khoe” được nhiều thể loại rối của sân khấu múa rối.

Đánh giá về vở diễn lần này, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Hoàng Tuấn, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Kịch bản rối Nùng Phai-Gau Dự đã được một số đơn vị nghệ thuật múa rối dàn dựng, trong đó có Nhà hát Múa rối Việt Nam. Tuy nhiên, trong lần dàn dựng này, chúng tôi đã được xem một bản diễn mang hình thức khác hẳn. Sức hấp dẫn của vở diễn chính là ở những trò diễn, ngôn ngữ thể hiện riêng biệt. Không chỉ khán giả mà bản thân những người làm nghệ thuật múa rối cũng cảm thấy thú vị, có nhiều cái để xem, học tập và tìm ra chìa khóa để phát triển nghệ thuật múa rối đương đại."

Tác giả kịch bản vở “Bản tình ca trên núi cao” là nghệ sỹ ưu tú Đặng Lợi (1927-2007). Ông là một trong những người đặt nền móng xây dựng Nhà hát Múa rối Việt Nam, đồng thời cũng là người đặt nền tảng cho phong cách viết kịch bản múa rối lãng mạn.

Đích thân Nghệ sỹ ưu tú Đặng Lợi đã dàn dựng vở diễn này cho Nhà hát Múa rối Việt Nam vào năm 1962. Sau 60 năm, kịch bản “Bản tình ca trên núi cao” lại được đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam dàn dựng với hình thức thể nghiệm mới cho sân khấu múa rối cạn, tiếp tục mang tới cho khán giả những trải nghiệm thú vị, độc đáo.

Chia sẻ lý do dàn dựng lại một kịch bản đã ra đời cách đây 60 năm, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cho biết nghệ sỹ ưu tú Đặng Lợi là một trong 7 người có công lao đóng góp những viên gạch đầu tiên thành lập ngành múa rối Việt Nam năm 1956. Vở kịch rối do ông viết và dàn dựng là một trong những vở hay trong kịch mục của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

“Sau 60 năm, thế hệ đạo diễn, nghệ sỹ chúng tôi đã dàn dựng lại kịch bản của ông để tri ân tác giả, đồng thời cũng mong muốn thể hiện vở diễn theo một tư duy sáng tạo mới mang tính thử nghiệm của những người làm nghệ thuật rối ngày hôm nay,” nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Theo nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, vở rối “Bản tình ca trên núi cao” của Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V vào cuối tháng 11/2022.

“Sân khấu thử nghiệm là nơi để các nghệ sỹ tự do thể hiện sự sáng tạo trên sân khấu. Lần này, chúng tôi muốn thử nghiệm vở rối với đề tài về tình yêu của đôi trai gái người dân tộc Mông trên vùng núi cao. Chúng tôi đã cố gắng tạo nên vở diễn mà ở đó vừa có tính đương đại, tính vùng miền, tính dân tộc nhưng cũng mang cả yếu tố quốc tế," nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Hy vọng với sự độc đáo của ngôn ngữ nghệ thuật rối cũng như êkíp sáng tạo tài năng và đầy tâm huyết, “Bản tình ca trên núi cao” sẽ một tác phẩm đáng xem, đáng suy ngẫm tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm 2022.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.