Theo Sử ký (Tư Mã Thiên) và Chính sử Trung Quốc qua các triều đại (Thương Thánh):
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), còn được gọi là Thủy Hoàng Đế (hoàng đế đầu tiên ở Trung Quốc), Doanh Chính, Triệu Chính. Ông đăng cơ khi 13 tuổi, tại vị 37 năm, trong đó, xưng vương 25 năm, xưng đế 12 năm.
Chân dung bạo chúa Tần Thủy Hoàng |
Nỗi căm hận trong lòng bạo chúa
Cha Doanh Chính là Trang Tương Vương Tử Sở, mẹ là Triệu Cơ, nhưng “Sử ký” (Tư Mã Thiên) vẫn cho rằng ông là con của Lã Bất Vi, vì Triệu Cơ vốn là một người thiếp của Lã Bất Vi, khi bà được gả cho Tử Sở thì đã mang thai Doanh Chính.
Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, Doanh Chính luôn phải chịu đựng sự gièm pha của láng giềng và sự chế giễu, chửi rủa của đám trẻ con cùng trang lứa, nên trong lòng Doanh Chính luôn căm hận Lã Bất Vi – người bỏ ra tất cả tiền bạc, của cải và tài cán của mình để đưa Doanh Chính lên làm vua, người đã tạo một trong những bước đệm vững chắc cho việc thống nhất thiên hạ sau này của Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng sai Mông Điềm đem người đi xây Vạn Lý Trường Thành |
Khi Lã Bất Vi làm tướng quốc thâu tóm mọi quyền hành, Doanh Chính bị mẹ bắt gọi Lã Bất Vi là “trọng phụ”, trông thấy mẹ thân mật thái quá với Lã Bất Vi, Doanh Chính thề rằng sau khi nắm đại quyền trong tay, người đầu tiên phải tiêu diệt chính là Lã Bất Vi.
Lã Bất Vi sợ sau này Doanh Chính sẽ xử tội mình, nên đã tìm một gã tên là Lao Ái giả làm thái giám đến thay mình hầu hạ cho Triệu Cơ. Sau khi Triệu Cơ lén lút sinh hai người con với Lao Ái, Lao Ái đã bộc lộ dã tâm chiếm đoạt vương vị.
Năm 21 tuổi, Tần Thủy Hoàng lên nắm đại quyền, biết được dã tâm của Lao Ái và bí mật của thái hậu, liền dẫn quân tiêu diệt. Lao Ái bị xử phanh thây, bè đảng cốt cán bị bêu đầu thị chúng, tất cả người hầu và cận vệ của Thái hậu đều bị giết, hai người em cùng mẹ khác cha bị đánh đập cho đến chết, thái hậu bị giam trong cung, người khuyên ông ta đón thái hậu về cung liền bị ném vào vạc dầu, hai mươi mấy đại thần dám đến khuyên can thi thể bị phơi ngoài thành.
Năm sau, Tần Thủy Hoàng liền chĩa mũi giáo vào Lã Bất Vi. Đầu tiên, ông ta cách chức Lã Bất Vi, đuổi về đất phong ở Lạc Dương. Vì Lã Bất Vi có tiếng trong triều, khi về Lạc Dương nhiều người thăm viếng nên khó tránh điều tiếng thị phi, hơn nữa Lã Bất Vi chính là người tiến cử Lao Ái với thái hậu nên càng khó thoát tội. Hai năm sau, Tần Thủy Hoàng ban lệnh đày ải Lã Bất Vi, ông ta “biết ý” uống thuốc độc tự vẫn.
Thôn tính sáu nước
Khi Tần mạnh, nhân tài hào kiệt tề tịu phụng sự Tần. Đầu tiên, Tần tiêu diệt nước yếu nhất là nước Hàn, thôn tính kẻ thù cũ là nước Triệu. Tiếp đến là nước Yên, tuy cha ông là Trang Tương Vương thân thiết với Yên Vương Hỷ, bản thân ông chơi thân với con trai Yên Vương là thái tử Yên Đan, nhưng đó chỉ là tình bạn khi ông còn là Doanh Chính. Khi đã lên làm Tần Vương, giữa các nước không có tình hữu nghị vĩnh cửu, mà chỉ có lợi ích vĩnh cửu, vì thế, nước Yên là mục tiêu thứ ba bị tiêu diệt.
Ba nước cuối cùng lần lượt là nước Ngụy, nước Sở và nước Tề.
Các nước phân tranh ròng rã suốt mấy trăm năm, nhà Tần đem quân đi đánh trong hơn 10 năm đã tiêu diệt hoàn toàn cả sáu nước, thống nhất thiên hạ.
Xem thêm:
- Lăng mộ Tần Thủy Hoàng và những thách thức to lớn với các nhà khảo cổ
- Stephen Hawking và những tiên đoán nhân loại có thể diệt vong