Ngày 15/12, theo Ria Novosti, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo, hàng chục máy bay tiêm kích của Pháp gồm Rafale và Mirage đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa hành trình SCALP tấn công các mục tiêu của "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) ở khu vực thành phố Al-Qaim, phía Tây giáp biên giới Syria.
Nhân sự kiện này, báo “Bình luận quân sự” của Nga đã có bài viết nói về tính năng tác dụng của tên lửa hành trình vừa được Pháp sử dụng tiêu diệt IS như sau:
Vào năm 1998, Bộ Quốc phòng Pháp đã ký hợp đồng với nhà sản xuất tên lửa SCALP trị giá 745 triệu USD. Theo đó, việc cung cấp tên lửa được bắt đầu tiến hành từ năm 2003 với số lượng 500 quả tên lửa SCALP-EG.
Tên lửa hành trình SCALP được thiết kế trên cơ sở tên lửa Apach của công ty Matra BAe Dynamics chế tạo từ năm 1984 và bề ngoài nó không khác mấy so với phiên bản cơ sở. Trong biên chế của các lực lượng vũ trang Pháp tên lửa có tên gọi chính thức là APTGD (Armament de Precision Tiree a Grand Distance, tên lửa tác chiến tầm xa có độ chính xác cao).
Hải quân Pháp trang bị tên lửa hành trình SCALP cho nhiều loại máy bay, trong đó có máy bay tiêm kích ném bom “Rafale, “Mirage 2000”, “Eurofighter” và trong tương lai tên lửa này có thể được bố trí trên tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới (tên lửa sẽ được bố trí trong bệ phóng thẳng đứng trên boong).
Các công trình thiết kế thử nghiệm chế tạo phiên bản tên lửa dùng cho tàu ngầm được bắt đầu thực hiện vào giữa năm 1995. Sau đó, Pháp tiếp tục cải tiến phiên bản này để trang bị cho các tàu mặt nước và của Hải quân Pháp.
Điểm khác biệt cơ bản của tên lửa SCALP so với phiên bản cơ sở là ở chỗ nó sử dụng hệ thống dẫn hướng và có tầm bắn 250 km. Dự kiến, SCALP sẽ tăng tầm bắn đến 400 km (tên lửa Apach có tầm bắn 150 km).
Để tăng tầm bắn xa gấp đôi, tên lửa SCALP sẽ cắt giảm khoang tải hữu dụng và bố trí thùng nhiên liệu bổ sung, trang bị động cơ phản lực tuabin "TRI Microturbo 60-30". Điều này bảo đảm cho tên lửa có khả năng bay ở tầm cực thấp với tốc độ hành trình đến 1.050 km/h.
Để phóng từ tàu ngầm, tên lửa SCALP được trang bị 2 bộ gia tốc phóng nhiên liệu rắn. Ở giữa thân tên lửa có khoang dài 2,2 m dùng để bố trí tải hữu dụng với tổng trọng lượng có thể đạt 700 kg.
Hiện nay, tên lửa SCALP được Bộ Quốc phòng Pháp xem như là một phương tiện dùng để cô lập các vùng chiến sự. Để thực hiện mục đích này, Pháp đang có kế hoạch biến sử dụng mìn chống tăng MIF, mìn chống bộ binh MUSA GP, MUSPA, đạn KRISS hoặc Samanta làm tải tác chiến của tên lửa để phá hủy các đường băng cất hạ cánh tại sân bay.
Ngoài ra, Pháp còn có kế hoạch trang bị cho tên lửa SCALP đầu đạn xuyên phá bê tông, có khả năng xuyên thủng bức tường bê tông dày 5-7 m.
Khi thiết kế tên lửa SCAPL, nhà sản xuất đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại nhằm giảm khả năng phát hiện tên lửa bằng radar. Theo đó, thân tên lửa có giao diện phẳng, không có các cạnh sắc ở vị trí kết nối và đặc biệt nó được phủ lớp vật liệu hấp thụ sóng radar.
Khi chế tạo hệ thống dẫn hướng của tên lửa SCAPL, theo các yêu cầu kỹ chiến thuật không sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh NAVSTAR là hệ thống dẫn đường chính.
Giải pháp này được đánh giá thiên về yếu tố chính trị và đã được chính phủ Pháp thông qua trên cơ sở rằng, Paris không thể kiểm soát được hệ thống dẫn đường NAVSTAR - hệ thống do Mỹ chế tạo và vận hành khai thác.
Nguyễn Hoàng