Tờ Kommersant của Nga ngày 21/12 đưa tin, Ấn Độ có thể ký hợp đồng mua số lượng vũ khí của Nga trị giá hơn 7 tỷ USD.
Theo nguồn tin trên, trong 2 ngày (24-25/12) Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ ở thăm Moscow. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Nga của người đứng đầu chính phủ Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trước đó, theo tuyên bố của cựu đại sứ Ấn Độ tại Kazakhstan, Thụy Điển và Latvia, ông Ashok Sajjanhar, một trong những chủ đề chính trong chuyến thăm Moscow lần này của Thủ tướng Ấn Độ sẽ là hợp tác kỹ thuật quân sự.
Trong đó, hai bên chú trọng thảo luận các vấn đề cung cấp cho Ấn Độ các tổ hợp tên lửa phòng không S-400, trực thăng quân sự và đóng tàu ngầm thế hệ mới cho Ấn Độ.
Theo Kommersant, thỏa thuận này được đánh giá là bước phát triển mang tính bùng nổ trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước với tổng trị giá hợp đồng vào khoảng hơn 7 tỷ USD.
Trước đó, Ủy ban mua sắm quốc phòng Ấn Độ đã đồng ý mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không S-400, theo nguồn tin từ Kommersant, với tổng giá trị hợp đồng 2,5 tỷ USD.
Một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ với Ria Novosti, tổng giá trị của hợp đồng này vào khoảng 390 tỷ rupee (tương đương 5,8 tỷ USD).
Phía Nga hiện chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố trên. Trước đó, quan điển của Nga là S-400 không thể cung cấp cho nước ngoài khi mà nhu cầu sở hữu các tổ hợp này của quân đội Nga chưa được đáp ứng. Chỉ ngoại trừ Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà Nga có thể ký hợp đồng cung cấp S-400.
Nga và Ấn Độ là những đối tác lớn nhất trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự: Hơn 70% vũ khí, khí tài quân sự của Lục quân, Không quân và Hải quân Ấn Độ là do Nga (Liên Xô) sản xuất.
Ria Novosti cho biết, theo đánh giá của Cơ quan Liên bang phục trách vấn đề hợp tác kỹ tuật quân sự Nga, trong năm 2014 Nga đã cung cấp cho Ấn Độ vũ khí và khí tài quân sự với tổng trị giá 4,7 tỷ USD và năm 2013 – 4,78 tỷ USD.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf do Tập đoàn sản xuất vũ khí Almaz-Antey của Nga phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng vượt trội hơn hệ thống tên lửa phòng không S-300.
S-400 được đưa vào trang bị từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trực sẵn sàng chiến đấu 4 tháng sau đó.
Hệ thống S-400 có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/s.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức tiêu diệt các loại tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ.
S-400 được trang bị radar đa năng có khả năng chống nhiễu cao; hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển.
Nguyễn Hoàng