Tờ Kommersant (Nga) dẫn nguồn tin từ quan chức xuất khẩu vũ khí và hợp tác kỹ thuật cho biết, các khách hàng tiềm năng đang có ý định mua các vũ khí Nga, vốn đã được chứng minh hiệu quả thông qua thực chiến. Đây là các khí tài quân sự trong biên chế quân đội Nga hoặc đã được xuất khẩu sang quốc gia khác và được đánh giá cao.
Máy bay ném bom hai chỗ ngồi Su-32.
"Ở Syria, Nga đã đạt được hai mục tiêu. Một mặt, quân đội Nga đã phô trương tiềm lực quân sự và công nghệ, thu hút sự chú ý của các khách hàng. Mặt khác, Nga đã có cơ hội thử nghiệm khả năng chiến đấu của hơn một nửa các chiến đấu cơ trong điều kiện tác chiến", nguồn tin quân sự này cho biết.
Kommersant cho biết, ở giai đoạn đầu tiên, không quân Nga chủ yếu dựa vào các phương tiện kỹ thuật đã được chứng minh như máy bay ném bom nâng cấp Su-24M và Su-25SM, nhưng ngay sau đó đã sử dụng các loại máy bay ném bom Su-34, Su-30SM và, cuối cùng, máy bay mới nhất Su-35S.
Tại Hmeymim đã triển khai các loại trực thăng, ngay tại căn cứ không quân cũng được bố trí một vòng dày đặc của các loại tên lửa - pháo phòng không "Pantsir-S1", cũng như các hệ thống phòng không "Buk-M2", và S-400 "Triumph".
Trực thăng tấn công "cá sấu" Ka-52.
Đặc biệt, để tấn công vào các cứ điểm của chiến binh khủng bố, lực lượng Nga đã sử dụng bom dẫn đường KAB-500S hiện đại, cũng như các tên lửa hành trình X-101 và X-555".
Theo Kommersant, ngay từ tháng 12/2015, Algeria đã đề nghị mua 12 máy bay ném bom Su-32 (phiên bản xuất khẩu của Su-34). Giám đốc nhà máy sản xuất máy bay Chkalov Novosibirsk, ông Sergey Smirnov cho biết, tiến trình đàm phán diễn ra khá chậm chạp trong 8 năm qua.
Tuy nhiên, thành công của các máy bay này trong điều kiện tác chiến ở Syria đã khiến cho Algeria quyết tâm mua vũ khí Nga. Lô máy bay đầu tiên sẽ tiêu tốn của Algeria khoảng 500 đến 600 triệu USD và hợp đồng có thể bổ sung thêm từ 6 -12 chiếc khác.
Trong một diễn biến khăc trong tiến trình đàm phán, Algeria cũng đang chú ý đến máy bay đa nhiệm Su-35S. Nếu quyết định, quốc gia châu Phi có thể trả thêm 850 đến 900 triệu USD để mua ít nhất 10 chiếc máy bay loại này.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400.
Indonesia Pakistan và Việt Nam cũng đang quan tâm đến Su-35. Những nước này đều đã có kinh nghiệm vận hành các máy bay Liên Xô và muốn nâng cấp. Thoả thuận với Indonesia và Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ USD. Hợp đồng mua bán vũ khí với Pakistan đang gặp nhiều khó khăn do mối quan hệ với Ấn Độ.
Quân đội Ai Cập mới đây cũng đã ký hợp đồng mua 46 chiếc trực thăng chiến đấu Ka-52. Chiến dịch chống khủng bố ở Syria có thể sẽ tăng cường nhu cầu mua vũ khí tại Trung Đông.
Sự xuất hiện của các tổ hợp phòng không S-400 ở Syria cũng khiến cho đối tác Saudi Arabia quan tâm đến loại tên lửa hiện đại này, cũng như các cuộc đàm phán với Ấn Độ.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Nga có sẵn sàng bán các tổ hợp phòng không tối tân nhất hay không. Nếu đạt được thỏa thuận, hợp đồng mua S-400 có thể lên tới 2-3 tỷ USD, tùy thuộc vào số lượng bệ phóng tên lửa mà các đối tác muốn mua.
Đăng Nguyễn