Xu hướng “ngược dòng”
Chia sẻ tại Tọa đàm,“Đầu tư BĐS hậu COVID-19: Dẫn dắt dòng tiền” do TheLEADER tổ chức tuần qua, ông Trương Xuân Quý, Tổng giám đốc Flamingo Land khiến mọi người không khỏi bất ngờ khi “tiết lộ”: đợt dịch vừa rồi, chúng tôi đưa ra thị trường một số lượng lớn sản phẩm và bán rất tốt.
Lý giải cho xu hướng bất ngờ này, ông Quý cho rằng đây là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, từ thương hiệu, uy tín chủ đầu tư, sự hợp lý của dòng sản phẩm.“Ví dụ, một căn hộ 7 tỉ, chủ biệt thự có thể thu về 150 triệu/tháng. Chúng tôi không cần cam kết, mà chúng tôi chia sẻ với chủ biệt thự, và giá trị chia sẻ không chỉ nằm ở tiền, mà còn rất nhiều giá trị khác, các yếu tố vận hành, dịch vụ, văn hoá… Các bài toán của Flamingo được đưa ra và giải quyết cụ thể, tỉ mỉ bằng rất rất nhiều các giải pháp mà phải thực sự thấu hiểu khách hàng, đồng hành cùng nhau, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết thì mới có thể triển khai được. Ví dụ với khu Flamingo Nightstreet, chúng tôi có 10 khách hàng liên quan đến thời trang, chúng tôi sẽ có khu outlet riêng cho họ, cùng nâng tầm giá trị sản phẩm dịch vụ lẫn bất động sản, đó chính là chìa khoá khiến khách hàng tin tưởng đồng hành và hai bên đều có thể đạt được thành công của mình”, ông Quý phân tích.
Ông Trương Xuân Quý, Tổng giám đốc Flamingo Land: nâng tầm giá trị sản phẩm dịch vụ lẫn bất động sản, đó chính là chìa khoá thành công. |
Khảo sát thực tế cho thấy, đúng là giá trị của bất động sản nghỉ dưỡng của Flamingo đang ngày càng tăng, có thể nói là cao hàng đầu khu vực. “Khách hàng của Flamingo rất đặc biệt, họ hiểu giá trị của sản phẩm và như vậy rõ ràng giá chúng tôi không cao, mà mức giá hợp lý với tiêu chuẩn cao của khách hàng. Mỗi dự án, chúng tôi có cách tiếp cận khách hàng và triển khai đầu tư khác nhau, dựa trên các nghiên cứu cụ thể về thị trường cũng như khách hàng và vị trí, phân khúc sản phẩm. Ví dụ đối với Flamingo Đại Lải Resort, chúng tôi được hưởng những ưu đãi từ vị trí địa lý, thiên nhiên, hạ tầng giao thông cũng như yếu tố về xã hội. Đối với đặc tính riêng của bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, chúng tôi đánh vào yếu tố độc đáo, đặc biệt và duy nhất. Ví dụ với mỗi 1 mẫu biệt thự, chúng tôi chỉ giới thiệu và bán số lượng rất ít, thậm chí chỉ mười mấy căn. Do đó chúng tôi có rất nhiều lựa chọn cho khách hàng, phù hợp với tài chính, nhu cầu, thậm chí cá nhân hoá tới từng gu thẩm mỹ của khách”, ông Trương Xuân Quý cho biết.
Xác nhận xu hướng “ngược dòng” này, ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập TheLEADER đưa ra các con số cho thấy, trong dịch covid, nhiều dự án tung ra các sản phẩm BĐS triệu đô như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ đa tiện ích chất lượng cao tại khu trung tâm, nhà ở trong các dự án đại đô thị kiểu mới… lại khá thành công, thanh khoản khá tốt.
Nhận định, có một “làn gió mới trong trạng thái bình thường mới”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô cho biết, dịch Covid đem đến nhiều sự thay đổi trong thói quen người dùng. Biến cố xảy ra khiến các làn gió đổi chiều và sinh ra làn gió mới tích cực.
Covid khiến thói quen người dùng thay đổi. Theo công ty nghiên cứu thị trường The Nielsen, người Việt thay đổi nhiều, 47% lượng người thay đổi thói quen ăn uống và hướng đến các thực phẩm tốt cho sức khoẻ, 60% thay đổi các hoạt động giải trí hạn chế đến nơi đông người; 70% xem xét lại các địa điểm du lịch.
Người đi du lịch có xu hướng tránh đến nơi đông người, hạn chế phương tiện công cộng, lười đi du lịch xa và quan tâm đến sức khoẻ. Họ đi du lịch gần bằng phương tiện cá nhân một cách thường xuyên. Đó là staycation, đi du lịch gần dễ tiếp cận và đi lại nhiều trong năm. Điều này khiến bất động sản vùng ven chiếm ưu thế. Không chỉ vùng ven Hà Nội mà Vũng Tàu tăng trưởng lớn so với Phú Quốc là thị trường truyền thống. Vũng Tàu vươn lên như một thị trường mới khi người thành phố nhận ra rằng du lịch gần thú vị hơn việc đi xa. Với công thức 80-20, họ trả 20% chi phí nhưng thụ hưởng 80% chi phí. Hà Nội lại nằm sát Hoà Bình và là trung chuyển lên vùng Tây Bắc nên rất thuận tiện cho du lịch. Do đó, thị trường bất động sản tỉnh Hoà Bình trở thành điển hình của sự trỗi dậy ngay trong dịch covid.
“Covid-19 khiến thị trường bất động sản Hòa Bình như cơn áp thấp chuyển thành bão. Covid thúc đẩy 8 triệu dân Hà Nội hình thành tâm lý cần một nơi để lui về, nhất là khi thấy ngột ngạt trong thủ đô, do đó, nhu cầu tăng trưởng mua bất động sản nhanh chóng. Hoà Bình giống như sân sau của giới nhà giàu Hà Nội”, ông Trung khẳng định.
Phối cảnh một khu nghỉ dưỡng tại Hòa Bình. |
Thận trọng để không “trúng gió”
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Tư vấn Đầu tư – Savills Hà Nội, bất động sản phục vụ mô hình nghỉ dưỡng kết hợp du lịch, giải trí và chăm sóc sức khỏe tại chỗ đồng bộ mặc dù năm nay – 2020, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng đang có bài toán đặt ra làm thế nào để thu hút tiêu dùng nội địa. Đây là phân khúc được kỳ vọng có cơ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hiện tại rất nhiều khách sạn ở các thành phố chính đang phát triển mô hình staycation là giải pháp cho bài toán kinh doanh hiện tại. Ngoài ra, dự án bất động sản đồng bộ về dịch vụ, trải nghiệm ẩm thực, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe cũng đang tạo hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cũng chia sẻ, hậu covid, dòng bất động sản nghỉ dưỡng có sự thay đổi đáng kể. “Xu hướng mới là khách hàng tìm đến nơi có cảnh quan địa hình tốt, văn hoá đặc sắc, sở hữu lâu dài và di chuyển cá nhân”, ông Tuyển nhận định.
Xu hướng sống xanh khởi đầu cho những dòng sản phẩm BĐS mới. |
Lạc quan về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng xanh, sinh thái, giàu tiện ích, gần các thành phố lớn nhưng ông Nguyễn Thành Trung với “thâm niên” 15 năm hoạt động trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng ngoại ô cho rằng: Nhà đầu tư cần thận trọng để không “trúng gió”.
"Khi thị trường nóng, hầu hết các nhà đầu tư dễ bị say nắng, sợ mất cơ hội là cứ đến mua. Nhưng đừng để say nắng trong thị trường có nhiều gió. Yếu tố nhất thời có thể sẽ qua đi, như di chuyển ra ngoại ô và mong muốn không gian lui về, thậm chí là thói quen nghỉ dưỡng có thể mất đi khi hậu Covid hình thành. Tuy nhiên, yếu tố bền vững sẽ thành xu hướng lâu dài và bền vững”, ông Trung khuyến nghị.
Theo ông Trung, yếu tố bền vững chính là chọn đầu tư ở những nơi có hạ tầng giao thông, có kết nối đồng bộ, cân nhắc mua đất lẻ trong dân bằng mua tại các dự án đồng bộ hiện đại. “Mua BĐS ngoại ô, nhà đầu tư cố gắng khi mua thì dùng lý trí, đừng để cảm xúc đánh lừa, cân nhắc về đất, giao thông và tiềm năng có thể làm gì cho khu đất đấy. Giá trị đầu tư cho cảm xúc không được định giá, khiến các giá trị đã đầu tư vào second home khi bán đi bị gạt đi”, ông Trung nói thêm.
Đồng quan điểm này, ông Trương Xuân Quý cũng nhận định: Covid chính là cơ hội nhìn nhận lại sức khoẻ cũng như tính ứng biến của doanh nghiệp.
“Chúng tôi xác định mục tiêu phát triển bất động sản nghỉ dưỡng với việc tạo những lợi thế cạnh tranh khác nhau, ví dụ đầu tư tất cả các hạng mục, phát triển cuốn chiếu và giới thiệu ra thị trường. Chúng tôi đưa ra các chương trình song hành với khách hàng mua sản phẩm, bằng cách cùng phát triển sau bán hàng. Các giải pháp quản trị được đưa ra, quản lý giá trần giá sàn và các tiêu chuẩn đáp ứng chất lượng 5 sao. Do đó tỉ lệ lợi nhuận nó không chỉ ở mức như các doanh nghiệp khác cam kết là 10%, mà con số chúng tôi phát triển lên tới mức 12% và cao hơn nữa”, ông Quý cho biết.
Theo giới chuyên gia, dịch covid đang tạo nên cơ chế sàng lọc, các chủ đầu tư bé tiềm lực yếu khó khăn hơn trong cạnh tranh. Thời kỳ “bình thường mới” được dự báo sẽ có nhiều biến số khó lường hơn. Những diễn tiến này khiến khách hàng và nhà đầu tư bất động sản đều phải tính toán đến các chiến lược kinh doanh và đầu tư mới phù hợp và tránh được rủi ro ở mức cao nhất.