Các nền tảng liên lạc trực tuyến của phe biểu tình, bao gồm ứng dụng nhắn tin Telegram và diễn đàn trực tuyến LIHKG, đã chia sẻ các thông điệp với nội dung nhắn nhủ các cử tri không sử dụng điện thoại thông minh, mặc đồ đen hoặc đeo mặt nạ trong các điểm bỏ phiếu để đảm bảo phiếu bầu của họ hợp lệ.
Kevin, 21 tuổi, sinh viên Đại học Hong Kong, cho biết anh đã đi bỏ phiếu và khuyến khích những người khác bỏ phiếu cho quyền lợi của mình.
"Đối với tôi, chiến thắng duy nhất sẽ là khi chính quyền đáp ứng 5 yêu cầu của những người biểu tình. Nếu phe ủng hộ dân chủ có nhiều phiếu hơn, người biểu tình cũng sẽ có nhiều tính hợp pháp hơn để đấu tranh", Kevin chia sẻ. Trước đó phe biểu tình đã yêu cầu chính quyền đặc khu Hong Kong phải thông qua một số yêu sách như quyền bầu cử phổ thông, điều tra về việc lạm dụng tư hình của cảnh sát.
Cảnh sát được huy động tối đa để đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu. Ảnh: The Guardian |
Sau hơn 5 tháng, tình trạng bất ổn tại Hong Kong đã lên tới đỉnh điểm khi người biểu tình chiếm các địa điểm như Đại học Bách khoa Hong Kong và Đại học Hong Kong Trung Quốc làm "căn cứ" hoạt động, buộc cảnh sát phải phong tỏa hiện trường và bắt giữ những người chống đối.
Khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hong Kong đã chứng kiến những cuộc đụng độ giữa 1.000 người biểu tình và các lực lượng an ninh, sau hơn một tuần bị cô lập, hiện chỉ còn rất ít người biểu tình cố thủ bên trong và không chịu ra đầu hàng cảnh sát.
Tổng Thư ký hành chính Matthew Cheung Kin-chung cho biết hồi tháng trước rằng hơn 1/3 số người biểu tình bị bắt dưới 18 tuổi, có nghĩa là họ không đủ điều kiện để bỏ phiếu. Tính đến thứ Hai tuần trước, gần 4.500 người đã bị bắt liên quan đến các cuộc biểu tình.
Một nhân viên hậu cần đã nghỉ hưu 58 tuổi tên Chan, cho biết bà đã tham dự gần như mọi cuộc biểu tình kể từ đầu tháng 6 nhưng vào Chủ nhật vừa qua, bà lại trở thành tình nguyện viên kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu.
Đến 9h sáng nay, các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã chiến thắng tại 17/18 hội đồng quận ở Hong Kong. Ảnh: SCMP |
"Chính quyền đã bác bỏ tính hợp pháp của các cuộc biểu tình, nhưng nếu chúng tôi có thể cho họ thấy rằng chúng tôi có tính hợp pháp thông qua phiếu bầu, họ không thể phớt lờ chúng tôi được nữa", bà Chan nói.
Anh Daniel Leung, 29 tuổi, người làm công việc tiếp thị ở Đồn Môn, không nghĩ rằng tất cả những người ủng hộ các cuộc biểu tình nên bỏ phiếu cho các ứng cử viên phe dân chủ.
"Chúng tôi phải tôn trọng những người ủng hộ biểu tình nhưng muốn bỏ phiếu trắng vì họ không hài lòng với những gì mà các ứng viên dân chủ đã làm trong những năm gần đây. Tôn trọng sự lựa chọn cá nhân là bản chất của nền dân chủ", ông Leung bày tỏ quan điểm.
Các nền tảng trực tuyến nơi người biểu tình thường thảo luận về kế hoạch hành động của họ hiện đang tạm thời im ắng để dồn sức cho hoạt động bầu cử, không hề có các bài đăng kêu gọi tuần hành hoặc tụ tập.
Vào 22h30 tối Chủ nhật, gần 3 triệu người đã đi bỏ phiếu, chiếm hơn 71% tổng số cử tri và gần một nửa dân số Hong Kong. |
Một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hong Kong cho biết cảm thấy kiệt sức với làn sóng biểu tình bởi công việc của anh đã bị gián đoạn.
"Không ai biết những gì xảy ra tiếp theo. Trong vài ngày qua, hầu hết những người biểu tình đã tập trung vào việc yêu cầu mọi người đi bỏ phiếu vào cuối tuần", người này nói.
Đối với một số cử tri thân chính quyền sống ở những khu vực thường xuyên có các cuộc biểu tình, tất cả những gì họ muốn đó là chấm dứt tình trạng bất ổn tại Hong Kong.
Tại một điểm bỏ phiếu ở Du Ma Địa, kế toán Ho, 40 tuổi, cho biết cô muốn cuộc sống của mình trở lại bình thường.
"Hệ thống đường sắt cao tốc vẫn đóng cửa sớm buộc gia đình tôi phải ở nhà vào cuối tuần. Tôi hy vọng các cuộc biểu tình sẽ sớm kết thúc và hình ảnh về một Hong Kong yên bình có thể được phát lại trên toàn thế giới", người phụ nữ chia sẻ.