Cũng tại cuộc toạ đàm này, các chuyên gia hàng không khẳng định: trong bối cảnh các đường bay dài đều lỗ, Hãng hàng không nào tiên phong bay thẳng tới Mỹ đó là quyết tâm rất lớn và cần cả sự dũng cảm.
Đường bay giàu tiềm năng
Thị trường vận tải hàng không đến Mỹ được đánh giá là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ năm 2017 đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm. Theo Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, trong năm 2018, số lượt người Việt đi du lịch qua quốc gia này đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng, đạt 107.000 người.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngay từ khi ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam -Hoa Kỳ được ký tháng 12/2003, các nhà hoạch định chiến lược của ngành hàng không Việt Nam đã phối hợp, xúc tiến xây dựng một kế hoạch khai thác các đường bay đến bờ Tây Hoa Kỳ.
Để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ, ngành hàng không Việt Nam mà cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) về Năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.
Tháng 2/2019 vừa qua, Việt Nam đã chính thức nhận chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Việc phê chuẩn CAT 1 đã mở đường cho các hãng hàng không của Việt Nam bay thẳng đến Mỹ và tạo thuận lợi cho việc hợp tác liên danh giữa các hãng hàng không và nhân dân hai nước.
“Với chứng chỉ này, cánh cửa cho đường bay thẳng giữa hai nước đã mở rộng hơn bao giờ hết. Thời điểm để các hãng không Việt Nam mở đường bay thẳng tới Mỹ đã đến”, TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch VAAST khẳng định.
Đồng quan điểm này, GS.TSKH. Đỗ Nguyên Khoát - P.Chủ tịch Hội, Chủ tịch hội đồng khoa học - Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cũng cho rằng “CAT1 giúp chúng ta nâng cao hình ảnh, uy tín của hàng không Việt Nam, các hãng hàng không có điều kiện mở rộng thị trường, khách hàng tin tưởng lựa chọn các hãng hàng không Việt khi di chuyển trên đường bay này”.
Hãng nào sẽ tiên phong?
Hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 50 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương. 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 5 hãng hàng không trong nước đang hoạt động tại Việt Nam, khai thác gần 130 đường bay quốc tế tới 29 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Các hãng hàng không Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác thị trường hàng không quốc tế, trong đó Mỹ là một trong những thị trường trọng điểm hàng đầu, được xác định trong Đề án: “Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam với các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017.
Đồng thời, Mỹ cũng được xác định là thị trường du lịch trọng điểm trong Đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt tại Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2019.
Việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước. Nói như ông Võ Huy Cường thì, “Hãng hàng không nào bay thẳng đươc tới Mỹ đầu tiên là thể hiện đẳng cấp của mình, nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường”.
Cũng theo ông Võ Huy Cường, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành đều xác định sự cần thiết sớm đưa vào khai thác đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ dù biết còn rất nhiều việc cần phải làm ở phía trước.
Vấn đề là hãng hàng không nào sẽ bay thẳng tới Mỹ đầu tiên?
Theo ông Trương Phương Thành – Phó Chủ tịch thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways, từ những ngày đầu thành lập, hãng đã rất quan tâm đến việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ. “Chúng tôi không giấu kỳ vọng, Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ. Là một hãng hàng không tư nhân trẻ và năng động, được hậu thuẫn bởi một thị trường hàng không năng động bậc nhất thế giới, một Chính phủ đang khích lệ mạnh mẽ mở cửa bầu trờ cho hàng không phát triển, chúng tôi tự tin rằng Bamboo Airways hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Thành nhấn mạnh.
Ngay sau khi chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways cất cánh tháng 1/2019, Bamboo Airways đã bắt tay chuẩn bị cho đường bay nhiều thách thức này, như tiến hành ký thỏa thuận đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ…
Bamboo Airways tham vọng trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên bay thẳng tới Mỹ. |
“Ngay từ khi Bamboo Airways mới chỉ ký hợp đồng mua tàu bay, Chủ tịch FLC đã tỏ rõ khát vọng bay thẳng tới Mỹ với tàu bay thế hệ mới mà hãng sắp sở hữu. Điều đó cho thấy doanh nghiệp vận tải hàng không trẻ này đã nung nấu trong mình một kế hoạch chinh phục đường bay Việt- Mỹ ngay từ ngày đầu mới gia nhập Hàng không”, TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam
“Đường bay thẳng Việt - Mỹ sẽ sớm được mở và chính thức đưa vào khai thác trong một thời gian không xa, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bamboo Airways”, ông Võ Huy Cường cũng nhận định.
Đánh giá cao "tham vọng" của Bamboo Airways, nhưng Đại sứ Lê Công Phụng - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại: Tất cả các đường bay dài đều đang lỗ, nếu Bamboo tiên phong bay thẳng được tới Mỹ là sự dũng cảm.
Trước những hồ nghi về việc bay thẳng tới Mỹ là lỗ, chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết phân tích: Singapore chỉ có 5,8 triệu dân, Sinpagore Airline phải đi kiếm khách trên cả thế giới trong khi người Việt ở một bang như Cali đã bằng nửa dân số Singapore, không có lý do gì không tiềm năng, không có khách hàng. Về lợi nhuận, tại toạ đàm, chủ tịch FLC đưa ra các con số tỉ mỉ cho thấy: giai đoạn đầu giá vé khuyến mại có thể thấp hơn bình thường (có thể lỗ tới 14 tỷ/ tháng), nhưng khi đã chinh phục được khách hàng rồi thì chúng tôi hoàn toàn có thể nhích giá vé lên thì số lãi sẽ lên tới 8 tỷ/ tháng mà giá vé vẫn thấp hơn các hãng hàng không khác bay thẳng tới Mỹ như Japan Airlines.
Khẳng định đã tính toán chi tiết tới từng đô la, chủ tịch FLC hài hước chia sẻ thêm: "nhiều người nói BamBoo mở đường bay đi Mỹ không khả thi, có phần chém gió, nhưng lâu nay, tôi là người làm nhiều hơn nói".
“Những gì Bamboo làm được thời gian vừa qua một phần chứng minh điều đó. 6 tháng đầu năm, theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo là hãng hàng không bay đúng giờ nhất, an toàn nhất, tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Đây là những số liệu chuẩn xác được giám sát bởi các cơ quan quản lý”, chủ tịch FLC nhấn mạnh.