Ảnh minh họa |
Flavius Belisarius là một trong những mãnh tướng vĩ đại nhất của đế quốc Byzantine trong suốt thế kỷ 6 (CN). Ông còn được vinh danh là “Người La Mã cuối cùng” trong số những người cuối cùng đem vinh quang về cho đế quốc La Mã.
Theo sử sách, tướng Belisarius được sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc vùng Illyria (phía tây bán đảo Balkan). Trong cuốn “Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế quốc La Mã”, nhà sử học Edward Gibbon lại cho rằng Belisarius được “sinh thành và dạy bảo bởi những người nông dân xứ Thrace”.
Tranh ghép đá Mosaic thể hiện một cảnh sống - lao động thường ngày (TK 6) |
Ông nhập ngũ khi còn trẻ, và phục vụ trong đội cận vệ của hoàng đế La Mã Justin I. Tại đây Belisarius đã phục vụ hoàng đế với tất cả lòng dũng cảm nhưng những thành tích đạt được chưa để lại được dấu ấn sâu sắc.
Sau cái chết của vua Justin I vào năm 527(CN), vua mới Justinian I lên ngôi, Belisarius lên nắm quyền lực, sự nghiệp của ông mới thực sự khởi sắc.
Cơ hội đầu tiên giúp tướng Belisarius khẳng định tài cầm quân là khi ông được đức vua Justinian bổ nhiệm làm chỉ huy quân đội La Mã ở miền đông để đối phó với những cuộc đột kích của đế quốc Sassanid - đối thủ lớn nhất của đế quốc Byzantine vào năm 527. Chính nhờ tài thao lược hơn người, Belisarius đã đánh bại được đội quân Sassanid hùng hậu trong trận chiến Dara vào năm 530.
Người đàn ông được cho là Belisarius đứng bên cạnh vuaJustinian ở Ravenna (Ý) |
Tuy trận chiến Callinicum vào năm 531 kết thúc bằng “chiến thắng thê thảm” của quân Sassanid (quân Sassanid giành chiến thắng nhưng cũng phải trả giá khá đắt về người và của), nhưng hiệp ước “Hoà bình vĩnh cửu” đã được ký kết giữa hai đế quốc Byzantine và Sassanid kéo dài cho đến năm 540.
Hoà bình được thiết lập, Belisarius thôi cầm quyền trong quân đội ở biên giới phía đông và bị triệu hồi về kinh đô Constantinople. Thất bại trong trận chiến Callinicum đã làm lu mờ ít nhiều danh tiếng của ông, nhưng cơ hội cho ông chuộc lỗi lại đến vào năm 532, vì các cuộc nổi loạn Nika nổ ra suýt chút nữa đã hất cẳng vua Justinian.
Khi đó, Belisarius là chỉ huy quân đội cao cấp nhất ở thành phố, nên ông có trách nhiệm phải dập tắt nó, kết quả, cuộc đàn áp do ông cầm đầu đã nhấn chìm khoảng 20.000~30.000 người trong bể máu.
Năm 533, Belisarius được phái đi giành lại các vùng lãnh thổ ở Châu Phi từ tay vương quốc Vandal và đã giành được thành công trong năm đó. Belisarius trở về Constantinople trong lễ khải hoàn La Mã, ông là người cuối cùng có được vinh dự này trong cuộc diễu hành thắng trận vào thành Roma.
Cảnh Belisarius từ chối vương miện của người Goths ở Ý. Ảnh: Wiki |
Năm 535, vua Justinian lại giao quân đội cho Belisarius để hoàn thành mục tiêu chinh phục vương quốc Ostrogoth ở Ý. Belisarius chiếm được thủ đô Ravenna của Ostrogoths vào năm 540.
Nhưng, chính vì ông được cả binh lính lẫn kẻ thù bại trận trong tay mình yêu mến kính phục, nên đã làm tăng thêm mối ngờ vực của vua Justinian đối với ông, ông bị triệu hồi về Constantinople sau khi chiếm được Ravenna và được cử tới biên giới phía đông để giải quyết các xung đột với quân Sassanid, nhưng năm 545 ông lại phải quay trở lại Ý để dập tắt cuộc nổi dậy của người Ostrogoth.
Belisarius đã không thành công trong chiến dịch lần này, và bị thu quyền vào năm 548~549. Lần cuối cùng ông được trao quyền cầm quân là vào năm 559, khi người Bulgars đòi vượt sông tới xâm chiếm Byzantine. Nhờ tài cầm quân, chỉ với một số quân ít ỏi, ông đã đẩy lui được ý định xâm lược của họ.
Vào năm 562, Belisarius bị thất sủng, ông bị cáo buộc là đã tham nhũng và bị tống vào tù. Ít lâu sau ông được vua Justinian tha tội, phục hồi danh dự và được giao cho một vị trí trong triều.
Cảnh Belisarius trở thành ăn mày (Jacques-Louis David/Wiki). |
Một câu chuyện được lan truyền vào thời Trung cổ đó là chính nhà vua Justinian đã khiến Belisarius bị mù loà và trở thành kẻ ăn mày trước khi được nhà vua tha tội.
Tuy không có ghi chép nào làm căn cứ cho sự việc này, nhưng tình tiết ông bị mù và phải làm ăn mày vẫn được đưa vào cuốn tiểu thuyết “Bélisaire” vào TK18.
(Dịch từ Origins)