Thạc sĩ, bác sĩ CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết cách đây 5 năm, rối loạn tiền đình do thạch nhĩ (sỏi tai) lạc chỗ (chóng mặt tư thế kịch phát lành tính) từng được coi là "bệnh không thể chữa khỏi, phải chung sống cả đời". Đây là bệnh thường gặp, phổ biến ở người cao tuổi ước tính gấp 3 lần người trẻ. Tỷ lệ mắc bệnh trong đời ở người trưởng thành là 7,4%, theo Thư viện Y khoa Mỹ.
Rối loạn tiền đình là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết của nó. Bộ phận này tổn thương làm thông tin dẫn truyền bị sai lệch gây mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai. Rối loạn tiền đình gồm rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Rối loạn tiền đình do thạch nhĩ lạc chỗ, còn gọi là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), thuộc nhóm rối loạn tiền đình ngoại biên.
Trước đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên khám lâm sàng dẫn đến tỷ lệ bỏ sót cao. Người bệnh phải tái khám nhiều lần, sử dụng thuốc tốn chi phí. Hiện hệ thống đo chức năng tiền đình Interacoustics kết hợp công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG) ứng dụng AI, chỉ có tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hỗ trợ bác sĩ phát hiện bệnh chính xác. Nhiều người bệnh được điều trị bằng công nghệ này sau một tuần là khỏi. Một số người không còn chóng mặt, phục hồi 90% sau hai tuần điều trị.
Phần mềm đo chức năng tiền đình phối hợp công nghệ AI với 18 phương pháp đo được lập trình sẵn, chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, loại trừ các nguyên nhân chóng mặt khác trong một lần kiểm tra. Phương pháp này còn hỗ trợ bác sĩ phát hiện, phân loại và đánh giá mức độ bệnh. Chi phí chẩn đoán và điều trị một lần khoảng 1,8 triệu.
Như trường hợp bà Yến, 60 tuổi, thường xuyên chóng mặt, chao đảo, khoảng 60 giây, tần suất dày kèm với hoa mắt, ù tai, nôn ói. Tình trạng này lặp lại 2-3 ngày một lần, kéo dài 6 tháng, uống thuốc không bớt. Sức khỏe tinh thần giảm sút, bà ăn không ngon, mệt mỏi kéo dài.
Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM khám, bà được đeo một loại kính đặc biệt có gắn camera, ghi lại và phân tích chuyển động nhãn cầu nhằm xác định kiểu rung giật nhãn cầu do nguyên nhân ở tai (rối loạn tiền đình ngoại biên) hay ở não (rối loạn tiền đình trung ương). Hệ thống hỗ trợ kiểm tra xung động đầu, phân tích chức năng phản xạ tiền đình mắt của 6 ống bán khuyên qua hệ thống vHIT EyeSeeCam, kiểm tra định vị nhằm phân tích rung giật nhãn cầu ở các tư thế.
Một người bệnh đang được kiểm tra chức năng tiền đình. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Thạc sĩ, bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết bà Yến bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Đây là dạng rối loạn tiền đình ngoại biên do thạch nhĩ lạc chỗ, rơi từ soan nang và cầu nang vào ống bán khuyên. Ở người bình thường, sỏi tai giúp định hướng và giữ thăng bằng nhưng khi rơi vào ống bán khuyên, ngăn dịch lỏng trong tai di chuyển về não, gây chóng mặt, buồn nôn, chao đảo, có trường hợp mất ý thức.
Bà Yến được chỉ định dùng thiết bị mới này giúp tái định vị sỏi tai. Hệ thống được lập trình những góc khó, phù hợp cho từng vị trí của các ống bán khuyên khác nhau, phù hợp tình trạng bệnh. Sau buổi đầu tiên, bà phục hồi khoảng 90% cảm giác thăng bằng và sau lần thứ hai, tình trạng bệnh ổn định. Triệu chứng chao đảo, quay vòng, hoa mắt không còn.
Tương tự, bà Thu, 65 tuổi, cũng hay ngã do thấy mọi thứ xung quanh chao đảo, không dám đi lại. Sau khi kiểm tra bằng loại máy này, bác sĩ chẩn đoán bà Thu bị rối loạn tiền đình dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Sau điều trị hai tuần, các triệu chứng cải thiện, không còn chóng mặt. Bà tiếp tục duy trì tập các bài tập tại nhà để bệnh không tái phát.
Người bệnh được kiểm tra tiền đình về vận động mắt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Theo bác sĩ Hằng, rối loạn tiền đình có thể điều trị dứt điểm, hạn chế nguy cơ tái phát và biến chứng lâu dài nếu người bệnh được xác định đúng nguyên nhân và điều trị đúng cách. Triệu chứng gồm chóng mặt vài giây đến vài phút sau khi thay đổi tư thế đột ngột. Tình trạng kéo dài khiến người bệnh hốt hoảng, vã mồ hôi, lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên, trầm cảm, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo người bệnh tránh thay đổi tư thế đột ngột, không tự ý sử dụng thuốc ức chế tiền đình vì làm tình trạng diễn tiến nặng hơn, không được tự ý bỏ điều trị. Người bệnh nên thường xuyên tập vật lý trị liệu phục hồi tiền đình tại nhà mà bác sĩ hướng dẫn, vận động nhẹ nhàng, hạn chế căng thẳng.