Bhutan là Vương quốc nhỏ bé ở Nam Á với dân số khoảng 750.000 người, nằm trong dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Là một quốc gia có dân số 70% theo Phật giáo, tôn giáo ở đất nước Bhutan đi sâu vào cuộc sống thường ngày của người dân, thậm chí nó còn nằm trong cả những nhu cầu cơ bản của cuộc sống đời thường.
Bhutan nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ cổ kính.
Bhutan vốn không coi trọng tổng sản phẩm quốc gia mà nhấn mạnh vào chỉ tiêu hạnh phúc quốc dân cũng như chú trọng bảo hộ sinh thái và văn hóa. Ngành du lịch chính là một trong những nguồn thu ngoại hối mạnh nhất của Bhutan. Lượng khách du lịch từ 5000 đã tăng đến 100.000 người mỗi năm như hiện nay.
Mặc dù GDP chỉ đạt ít hơn 2 tỉ USD nhưng Bhutan đều miễn phí giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Đất nước này cũng hết sức chú trọng đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Bhutan cũng được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Trong một cuộc khảo sát năm 2005, 45% người dân Bhutan cho rằng họ rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc và chỉ có 3% chưa hài lòng về cuộc sống của mình. Bhutan là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về mức độ thỏa mãn của người dân và là nước duy nhất trong nhóm này có mức thu nhập tính theo đầu người chỉ hơn 1.800 USD.
Mặc dù vậy, từ lúc gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1971, giống Thụy Sĩ, Bhutan luôn có ác cảm về sự vướng mắc quan hệ ngoại giao với nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.
Vương quốc này cũng không có quan hệ ngoại giao với bất cứ quốc gia nằm trong Hội đồng Bảo an LHQ. Trên thế giới, chỉ hai nước Ấn Độ và Bangladesh có đại sứ quán tại thủ đô Thimphu của Bhutan. Nước này tự tách biệt mình đến nỗi năm 2007 vẫn chưa lập được chính sách ngoại giao riêng, phải nhờ Ấn Độ lập hộ.
Vương quốc Phật giáo Bhutan dù được coi là khá biệt lập, nhưng cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với một số quốc gia Nam Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Việt Nam)... nhưng lại không hề có quan hệ ngoại giao với người láng giềng Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Bhutan.
Dù đã cố gắng bằng việc lên kế hoạch xây nhánh đường sắt mới kết nối thủ phủ Lhasa (khu tự trị Tây Tạng) đến biên giới Nepal và Bhutan. Bên cạnh đó mời Bhutan tham gia vào dự án Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) nhưng tất cả đều bị nước này từ chối.
Người Bhutan vốn đã có những e dè và nghi kỵ về Trung Quốc từ lâu. Trong quá khứ, quốc gia này từng tranh chấp với Bhutan với lý lẽ cho rằng đất nước Phật giáo nhỏ bé vốn thuộc về Tây Tạng nên cũng thuộc về Trung Quốc.
Nước này cũng từng tuyên bố chủ quyền trên khoảng 10% lãnh thổ Bhutan và giới lãnh đạo cũng khá thiết tha trong việc đưa Bhutan vào trong phạm vi ảnh hưởng của mình.
Quốc vương Bhutan - Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.
Bởi vậy từ lâu Bhutan được coi như gần gũi hơn với Ấn Độ và không hề muốn thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh dù giữa 2 nước có đường biên giới chung gần 470 km với vùng tranh chấp vào khoảng 495 km2.
Tiến sĩ Ashok K. Behuria, giám đốc Trung tâm Nam Á của Viện nghiên cứu Quốc phòng và phân tích Ấn Độ nhận định: "Trung Quốc tích cực tìm kiếm một mối quan hệ tin cậy và tình bạn với Bhutan. Tuy nhiên, người dân Bhutan hiểu rõ Trung Quốc luôn muốn giành phần thắng trong các cuộc tranh chấp biên giới với tất cả các nước láng giềng. Chính vì vậy, họ không muốn dây dưa gì với nước này. Thêm nữa, ở Buhtan người dân vẫn luôn cho rằng Trung Quốc chả bao giờ muốn quan hệ đôi bên cùng có lợi".
Ngược lại, Ấn Độ và Bhutan có quan hệ từ lâu đời và có sự tương đồng rõ nét về truyền thống, văn hóa.
Ngay sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Bhutan hồi năm 2014, thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đã tuyên bố nước này không cho phép Trung Quốc mở Đại sứ quán tại thủ đô Thimphu.
Trả lời phỏng vấn truyền hình New Dehli, Thủ tướng Tobgay nói: "Chúng tôi thậm chí còn chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Làm sao có thể mở sứ quán nếu như còn chưa có quan hệ ngoại giao?".
Vì Bhutan không thiết lập quan hệ với Trung Quốc nên quốc gia này không có đường bay trực tiếp. Người Trung Quốc muốn đến Bhutan thăm quan phải quá cảnh qua nước thứ ba như Thái Lan, Ấn Độ, Nepal hoặc Singapore.
Minh Vũ