Thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh trở nên vô cùng sốt trong mấy năm trở lại đây. Hàng loạt dự án, quy hoạch về hạ tầng dù đang nằm trên giấy được giới cò đất tung tin ra thị trường, khiến giá đất tại địa phương tăng phi mã.
Từ khoảng cuối năm 2021, người dân sống ở khu vực xung quanh TP.Hà Tĩnh bắt đầu xôn xao về thông tin trên địa bàn sắp xuất hiện một dự án Khu công nghiệp (KCN) lớn được quy hoạch trên địa bàn. Cùng với đó, giới cò đất cũng tăng cường đổ xô lùng mua đất khiến giá đất tại địa phương gần như tăng lên từng ngày.
Văn bản của một doanh nghiệp đầy bí ẩn
Đến cuối tháng 3, cò đất tại địa phương tiếp tục đẩy ra văn bản của một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM về việc xin lập quy hoạch dự án Khu công nghiệp, Khu dân cư phía Tây TP.Hà Tĩnh.
Cụ thể, văn bản được giới cò đất tung ra thị trường có số hiệu số 1083/2022/CV-PM của Công ty CP Phát triển và KD Phú Mỹ (Công ty Phú Mỹ), do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thế Quảng ký ngày 18/3/2022. Văn bản này gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, có nội dung về việc xin chủ trương lập quy hoạch Khu công nghiệp, khu dân cư/đô thị phía Tây TP.Hà Tĩnh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo đó, địa điểm doanh nghiệp này xin lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Thạch Xuân, Thạch Đài và Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà), có tổng diện tích 1.497ha, trong đó 1.033ha là đất Khu công nghiệp và 464ha là đất Khu dân cư, đô thị. Nguồn gốc đất lập quy hoạch là đất nhận chuyển nhượng và các loại đất khác, vốn thực hiện dự án gồm vốn tự có và huy động của chủ đầu tư.
Ngay sau khi được ký, chưa biết UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được văn bản này hay chưa, nhưng bằng một cách nào đó, giới cò đất đã có được văn bản và tung tin ra ngoài. Giá đất từ đó tiếp tục tăng không kiểm soát, nhiều khu vực xung quang KCN trên giấy này đã chạm ngưỡng trên 3 tỷ đồng/lô 200m2, xấp xỉ giá đất tại nhiều khu đô thị lớn.
Văn bản của Công ty Phú Mỹ. |
Đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 931/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Thành phố Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong Quyết định có nội dung mở rộng không gian TP.Hà Tĩnh về hướng Tây, vượt qua đường tránh Quốc lộ 1, kết nối với Khu công nghiệp và đầu mối giao thông quốc gia, phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ.
Điều này có nghĩa, cho dù có KCN ở hướng Tây TP.Hà Tĩnh thì đến nay vẫn chưa có quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, gần như trùng khớp thời gian, văn bản xin lập quy hoạch của Công ty Phú Mỹ được tung ra địa phương chỉ một tháng trước thời điểm UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quy hoạch phát triển TP.Hà Tĩnh. Việc này khiến dư luận dấy lên nghi ngờ, văn bản của Công ty Phú Mỹ có phải là một chiêu trò thổi giá bất động sản tại Hà Tĩnh hay không?
Doanh nghiệp với tiềm lực kinh tế “khủng”?!
Để trả lời cho câu hỏi trên, phóng viên Ngày Nay đã tìm hiểu thông tin về Công ty Phú Mỹ. Theo thông tin thu thập được, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2009 tại tỉnh Tiền Giang, vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng, ngành nghề chính trong đăng ký kinh doanh là sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét.
Hiện nay, doanh nghiệp này đã chuyển trụ sở chính trong đăng ký kinh doanh về TP.HCM, có địa chỉ tại tầng 14, tòa nhà HM Town (412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3) và địa điểm kinh doanh tại 106/2 đường 79 (phường Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Vốn điều lệ của Công ty Phú Mỹ thời điểm hiện tại đã được nâng lên 60 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Thế Quảng giữ chức Chủ tịch HĐQT với 95,83% cổ phần, tương ứng 57,5 tỷ đồng, 2 cổ đông còn lại là Nguyễn Ngọc Quân và Vũ Hồng Mai nắm giữ lần lượt 2,5% và 1,67% cổ phần, tương ứng 1,5 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.
Có mặt tại trụ sở chính của Công ty Phú Mỹ, phóng viên được nhân viên ở tầng 14, tòa nhà HM Town chia sẻ, địa chỉ này là địa điểm của một đơn vị kinh doanh dịch vụ văn phòng chia sẻ (hay còn gọi là văn phòng ảo). Công ty Phú Mỹ chỉ là một đơn vị thuê văn phòng ảo tại đây và gần như không hoạt động tại địa điểm này.
Dãy nhà tạm bằng tôn trong con hẻm này là nơi đặt địa điểm kinh doanh của 6 doanh nghiệp. |
Tiếp tục đến địa điểm kinh doanh của Công ty Phú Mỹ tại TP.Thủ Đức. Vài dãy nhà xưởng nhỏ, được dựng tạm bợ bẳng tôn trong con hẻm trên đường 79 (TP.Thủ Đức) là nơi đặt địa điểm kinh doanh của 6 doanh nghiệp, trong đó ngoài Công ty Phú Mỹ còn có một công ty khác của ông Nguyễn Thế Quảng là Công ty TNHH Long Thịnh. Dù có 6 công ty, nhưng dãy nhà xưởng này chỉ có vài bảo vệ bên ngoài, gần như không có hoạt động.
Với một dự án quy hoạch đến 1.500ha, ngoài việc chủ đầu tư phải là doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế “khủng” còn phải là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, quy hoạch dự án. Tuy nhiên, với Công ty Phú Mỹ, dù đã thành lập 12 năm, nhưng đến nay hầu như không có dự án bất động sản nào nổi bật. Với tiềm lực kinh tế như trên, cùng với hoạt động kinh doanh đầy bí ẩn, Công ty Phú Mỹ lấy gì để xây dựng một KCN quy mô 1.500ha?!
Trao đổi với Ngày Nay, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án Khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Long An chia sẻ: “Thông thường, tổng chi phí cho một khu công nghiệp (gồm bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bẳng và xây dựng hạ tầng) khoảng 10 tỷ đồng/1ha. Với một KCN 1.500ha, số tiền đầu tư dự kiến lên đến 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đôi khi chi phí có thể tăng hơn mức dự kiến, nên có thể 15.000 tỷ đồng sẽ không đủ”.
Người này cho biết thêm, để được thực hiện dự án quy mô như trên, doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính với cơ quan có thẩm quyền. Với dự án dưới 20ha phải chứng minh có trên 20% tổng tiền đầu tư của dự án, với dự án trên 20ha doanh nghiệp phải chứng minh có trên 15% số tiền đầu tư. Với dự án 1.500ha, doanh nghiệp phải chứng minh có ít nhất 2.250 tỷ đồng.
“Thông thường, việc này dựa vào báo cáo tài chính 2 năm gần nhất và vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do đó, nếu doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 60 tỷ thì gần như không thể thực hiện dự án có quy mô như trên”, người này cho biết.
Để có thông tin khách quan, phóng viên Ngày Nay đã liên hệ lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Phú Mỹ và đang trong thời gian chờ phản hồi.
Bùi Khắc Thành