Căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS xuất hiện cách đây 35 năm đã trở thành đại dịch toàn cầu cướp đi sinh mạng của hàng triệu người bằng việc phá hại hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh.
HIV khi đó đã làm nhiều nhà khoa học lúng túng trước nguồn gốc và sức mạnh hủy diệt kinh khủng của chủng virus này.
Cho đến nay khi con người đã có những bước tiến vượt bậc về khoa học kĩ thuật. Việc xác định đặc tính và sự khởi nguồn của HIV đã có những cái nhìn toàn diện hơn.
Thực tế việc lan truyền của căn bệnh này có sự tiếp tay của mại dâm đã khiến cho HIV lây lan trên khắp các châu lục.
Một tế bào bị nhiễm virus HIV.
Vai trò của giao thương, sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân và những chuyển biến chính trị xã hội trong thế kỷ 20 cũng góp phần không nhỏ vào sự bùng phát của AIDS.
Theo nghiên cứu của giới khoa học, HIV bắt nguồn từ virus SIV gây chứng suy giảm miễn dịch trên khỉ và khỉ không đuôi ở châu Phi.
Việc virus lây sang người được nhận định là thông qua nhiều hình thức, một trong số này có thể là món thịt thú rừng mà người châu Phi vẫn săn bắn làm thức ăn.
Chủng HIV xuất phát từ khỉ không đuôi thuộc tuýp HIV-1. Trong đó, các ca nhiễm HIV-1 nhóm O chỉ giới hạn ở vùng Tây Phi.
Trên thực tế, chỉ có một chủng HIV lây lan nhanh trên phạm vi rộng khi nhiễm trên người. Chủng này, nhiều khả năng xuất phát từ tinh tinh, có tên là HIV-1 nhóm M. Ước tính có tới 90% số ca nhiễm HIV được xác định thuộc HIV-1 nhóm M.
HIV nhóm M không có khả năng siêu lây nhiễm đặc biệt nào như nhiều người đánh giá. Nhưng loại virus này lại biết tận dụng các điều kiện để phát tán mạnh mẽ.
"Các điều kiện sinh thái học chính là tác nhân trong việc thúc đẩy tốc độ lây lan chóng mặt của HIV", Nuno Faria nhà nghiên cứu tại đại học Oxford cho biết.
Faria cùng cộng sự đã nghiên cứu HIV bằng cách soi xét các trình tự gene thu thập từ 800 người nhiễm HIV ở Trung Phi.
Congo được cho là đất nước khởi nguồn cho đại dịch HIV.
Hệ gene thu nhận các đột biến mới với tốc độ khá ổn định, "Virus ARN như HIV có tốc độ tiến hóa nhanh hơn ADN con người xấp xỉ một triệu lần", Faria nhấn mạnh.
Quá trình tiến hóa diễn ra nhanh tới mức Faria và cộng sự phát hiện các hệ gene của HIV có cùng một tổ tiên chung cách đây không quá 100 năm.
Từ đây nhóm ước tính, HIV-1 nhóm M nhiều khả năng bùng phát thành dịch lần đầu vào những năm 1920.
Nhờ nắm rõ địa điểm các mẫu bệnh phẩm HIV được thu thập trước đây, nhóm nghiên cứu lần ra thành phố nơi dịch HIV bùng phát đầu tiên là Kinshasa, nay là thủ đô Cộng hòa Congo.
Congo vào những năm 1920 là thuộc địa của Bỉ. Thành phố Kinshasa thuộc Congo, còn biết đến với tên Leopodville là thành phố trở thành điểm đến cho những người trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm, kéo theo nhu cầu và nguồn cung mại dâm rất lớn. Chính từ điều này virus HIV đã có điều kiện lây lan và phát triển nhanh chóng.
Mạng lưới đường sắt với hàng trăm nghìn người lưu thông mỗi năm cũng tạo điều kiện cho virus được mang sang các thành phố khác trong phạm vi 1.500 km chỉ trong 20 năm. Tất cả điều kiện được chuẩn bị sẵn cho đại dịch nổ ra vào những năm 1960.
Thập niên 60 của thế kỷ trước bắt đầu còn mang theo một sự thay đổi lớn. Congo giành độc lập từ Bỉ và trở thành quốc gia có lượng việc làm dồi dào cho những người nói tiếng Pháp từ các nước trên thế giới, bao gồm cả Haiti.
Quay về nước, một số thanh niên Haiti mang theo virus HIV-1 nhóm M tuýp B, giúp virus vượt Đại Tây Dương tới châu Mỹ.
HIV cập bến nước Mỹ vào những năm 1970, ngay thời điểm bắt đầu cuộc cách mạng tình dục và tư tưởng kỳ thị đồng tính luyến ái khiến những người đồng tính tập trung về những thành phố đa sắc tộc như New York và San Francisco.
Lần này, virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch lại tận dụng yếu tố chính trị xã hội để phát tán khắp nước Mỹ và sang cả châu Âu.
Câu chuyện về sự lây lan của HIV vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2015, HIV tái bùng phát ở vùng nông thôn bang Indiana, Mỹ do nạn tiêm chích ma túy.
Ngày nay tỉ lệ người HIV đang có xu hướng giảm xuống do nhận thức về việc bảo vệ an toàn cho sức khỏe bản thân đã được nâng cao nhiều hơn.
Cùng với đó những ổ dịch bệnh đã bị triệt phá đi nhiều khiến cho căn bệnh này ở một số nước chỉ còn phân tán dưới những cộng đồng nhỏ lẻ.
Mạnh Kiên