125 năm sau khi qua đời, công chúng và giới nghệ thuật thế giới mới thực sự công nhận và ngưỡng mộ tài năng của Van Gogh. Ông được vinh danh là thiên tài hội họa.
Van Gogh được hậu thế vinh danh là 'thiên tài hội họa' |
Chân dung Vincent van Gogh năm 1886 |
Nhiều tác phẩm của Van Gogh cũng được ngợi ca là kiệt tác đắt giá nhất của nghệ thuật đương đại, xuất hiện ở vô số các bộ sưu tập của các phòng trưng bày nghệ thuật và viện bảo tàng nổi tiếng nhất trên thế giới.
Vincent Willem van Gogh
Sinh ngày 30/3/1853, mất ngày 29/7/1890, thường được biết đến với tên Vincent van Gogh là một danh hoạ Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng.
Van Gogh là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú (Fauvism) và trường phái biểu hiện tại Đức.
Thể nhưng, ẩn sâu trong những họa phẩm đầy thán phục, ngưỡng mộ của ông là những nỗi thống khổ mà chỉ với nghệ thuật Van Gogh mới có thể trải lòng.
Ông từng vào viện tâm thần
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tác giả của họa phẩm nổi tiếng “Chân dung bác sĩ Gachet” gặp rắc rối trong vấn đề thần kinh dẫn đến việc tự cắt tai năm 1890 và cái chết 19 tháng sau đó.
Lo sợ về sự an toàn của mình và mọi người xung quanh cũng như cho rằng việc rời xa chốn thị thành sẽ khơi gợi cảm hứng nghệ thuật trong ông nên Van Gogh đã tự cô lập và sống đơn độc tại viện tâm thần St. Remy ở Provence, miền đông nam nước Pháp.
Bức 'Starlight Night' được vẽ trong một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence |
Trong 12 tháng lưu ngụ, Van Gogh vẫn tiếp tục cầm cọ và sáng tác. Tuy nhiên, không lâu sau đó vì nghĩ rằng cách đạt tới nghệ thuật hội họa của mình mang nhiều tính cá nhân nên ông đã tập hợp một số họa sĩ tài danh khác để lập ra nhóm các họa sĩ ấn tượng miền nam, sống và sáng tác tại căn nhà màu vàng huyền thoại. Đêm đầy sao (A Starry Night) là một trong những họa phẩm nổi tiếng của ông thời gian này.
Van Gogh chưa từng rao bán họa phẩm nào
Người em trai của Vincent van Gogh là Theo van Gogh vốn luôn là chỗ dựa cả về tài chính lẫn tình cảm của ông đến tận những năm tháng cuối đời. Mặc dù rất yêu quý em trai nhưng danh họa luôn cảm thấy mình là gánh nặng cho Theo khi hàng tháng vẫn nhận được trợ cấp đều đặn của người em.
Van Gogh quyết định gửi những bức họa của mình cho em mỗi khi nhận tiền hàng tháng với hi vọng Theo sẽ bán chúng để bớt khó khăn. Nhưng Theo đã giữ lại hết số tranh người anh gửi, chỉ duy có bức 'Cánh đồng nho đỏ ở Arles' được bán với giá 1.200 USD.
'Red Vineyard at Arles' |
Nhưng nhiều họa sĩ cùng thời khẳng định Theo và Vincent van Gogh chưa từng bán một họa phẩm nào.
Vinh quang đến quá muộn màng sau khi Van Gogh đã qua đời
Mãi cho đến sau cái chết của Van Gogh, các tác phẩm hội họa của ông mới bắt đầu nổi tiếng và có giá. Và nhờ đó, Theo có thể có được khoản tiền lớn với những bức tranh Van Gogh đã gửi, nhưng ông đã chết vì bệnh giang mai 6 tháng sau cái chết của người anh trai.
Loạt tranh chân dung tự họa của Van Gogh |
Điềm báo cái chết trong họa phẩm cuối cùng
Nhiều người tin vẫn tin rằng họa phẩm 'Cánh đồng lúa mì và bầy quạ' là bản di chúc hội họa cuối cùng của Van Gogh. Và khi nhìn vào tác phẩm này, không ít người đoán biết được tâm tư tình cảm của ông trước khi qua đời. Ở đó thể hiện đầy đủ nét nghệ thuật bậc tài cũng như lột tả được hết tâm trạng và mối linh cảm về tấn bi kịch cuộc đời của Van Gogh.
Họa phẩm 'Cánh đồng lúa mì và bầy quạ' là bản di chúc hội họa cuối cùng của Van Gogh |
Những nét cọ vẽ cánh đồng lúa chín và đàn quạ đen xiên, thô và ngắn dưới bầu trời mây đen vần vũ, khỏa lấp áng mây xanh, trắng thể hiện nỗi buồn quạnh vắng và sự cô đơn đến cùng cực. Trong bức thư cuối cùng gửi cho em trai, họa sĩ có nhắc đến 2 tác phẩm vẽ cùng năm 1890 là Khu vườn của Daubigny và Nhà miền quê với mái rạ.
Dựa theo sắc màu tươi tắn của hai bức họa này và sắc mây đen của Cánh đồng lúa mì và bầy quạ, ta hiểu được đôi chút tâm tư từ phấn chấn, vui vẻ đến u buồn, cô quạnh của danh họa trước những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Bức tự họa với chiếc tai bị cắt của Van Gogh |
Trước khi lìa đời, Van Gogh chỉ thốt ra một câu duy nhất “La tristesse durera toujours" - "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi". Em trai của danh họa đã thu thập tất cả các tác phẩm của anh trai, vợ của ông cũng công bố bức tranh cuối cùng của Van Gogh - Wheat Field (Đồng lúa mì).
Mộ của Vincent và Theo van Gogh tại nghĩa trang Auvers-sur-Oise, Pháp |
‘Tiếng lòng’ của danh họa qua những họa phẩm
Starlight night – Kiệt tác giữa những cơn điên
Starlight night (Đêm đầy sao) được Van Gogh vẽ trong thời gian điều trị bệnh tại một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence (Pháp). Bức tranh được vẽ vào ban ngày, giữa những cơn bệnh qua sự tưởng tượng về khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông.
Starry Night (Đêm đầy sao) |
Trong bức tranh vẽ bầu trời cuộn xoáy, Van Gogh đã thay đổi vị trí của chòm sao Đại Hùng từ phía Bắc sang phía Nam. Đây cũng là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đối với các họa sĩ trường phái ấn tượng thế hệ sau này.
The Potato Eaters – Bức tranh đánh dấu mối duyên với hội họa
Một trong những bức tranh đầu tay và nổi tiếng của Van Gogh là The Potato Eaters (Những người ăn khoai – 1885), khi ông đã 32 tuổi. Điều bất ngờ hơn cả là Van Gogh chỉ bắt đầu vẽ khi đã 27 tuổi. Trước đó, danh họa từng kinh qua nhiều công việc khác nhau, thậm chí nuôi dưỡng ý chí trở thành một nhà truyền giáo.
'The Potato Eaters' mô tả cuộc sống mê muội tối tăm khổ ải của những người nông dân |
Tuy nhiên, cuối cùng, Van Gogh đã chọn vẽ tranh với chủ đề đầu tiên là mô tả cuộc sống mê muội, tối tăm, khổ ải của những người nông dân. Khi Van Gogh chuyển tới Paris vào năm 1886, ông đã gặp các họa sĩ trường phái ấn tượng nổi tiếng, và đó cũng là khởi nguồn thực sự cho sự nghiệp lừng lẫy của ông.
Van Gogh’s Bedroom – Căn phòng ngủ lập dị
Không chỉ Van Gogh mà em trai ông – Theo Van Gogh, cũng là một người vô cùng kỳ lạ. Mỗi ngày, em trai ông dành dụm 15 francs cho tới khi có đủ 300 francs để sắm sửa đồ nội thất cho một căn phòng ở Arles, miền Nam nước Pháp vào năm 1888. Đây chính là nơi Van Gogh trú ngụ, tránh xa những phê bình mà ông hết sức dị ứng.
'Phòng ngủ của Van Gogh' |
Ngay sau đó, Van Gogh đã quyết định sơn lại toàn bộ các vật dụng trong căn phòng này để trở nên phong cách hơn, và ông cũng vẽ một bức tranh kỷ niệm mang tên Van Gogh’s Bedroom (Phòng ngủ của Van Gogh) để ăn mừng sự kiện này.
Các tác phẩm hội họa khác của Van Gogh:
Chân dung bác sĩ Gachet (1890) |
Chùm tranh Hoa hướng dương (1890) |
Quán café về đêm (1888) |