Luật sư Hisyam Teh Poh Teik, một trong hai luật sư đại diện cho nghi phạm Đoàn Thị Hương, cùng đi với ông Đoàn Văn Thạnh. Một đại diện của đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết cuộc gặp kết thúc lúc gần 13h theo giờ địa phương.
Ông Thạnh đã sang Malaysia chiều 10/4 trên cùng chuyến bay với luật sư Teh Poh Teik từ Hà Nội. Trước khi ông Thạnh sang Malaysia, có những lo ngại về vấn đề an toàn cho ông và có những khuyến cáo là ông không nên sang Malaysia vào thời điểm này.
Trả lời Zing.vn sau chuyến thăm nhà tù, luật sư Hisyiam nói cuộc gặp diễn ra trong khoảng 1 tiếng và "chúng tôi trao đổi về chi tiết của vụ kiện".
Ngày 10/4, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết đã đến thăm nghi phạm Đoàn Thị Hương 5-6 lần kể từ khi vụ việc bắt đầu.
“Ngay lúc đầu khi phía bạn còn rất khắt khe và không cho phép, chúng tôi đã có tiếp xúc để xin gặp nghi phạm”, đại diện của Đại sứ quán Việt Nam nói. “Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ hết sức tối đa”.
Cho đến nay phía sứ quán đã giúp đỡ tìm kiếm luật sư cho Đoàn Thị Hương. Ông Hisyam Teh Poh Teik từ Johor Baruh được đánh giá là một trong những luật sư hình sự hàng đầu của nước này.
Đại diện sứ quán cho biết Đoàn Thị Hương là “khá bình tĩnh và thoải mái” trong những lần gặp. Phía sứ quán sẽ gặp Hương một lần nữa trước phiên xử ngày 13/4 tới.
Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tham gia sát hại người được nghi là Kim Jong Nam. Cảnh sát Malaysia cáo buộc Hương cùng một nghi phạm nữ Indonesia đã xịt chất độc thần kinh VX lên mặt người được cho là Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế KLIA 2 hôm 13/2.
Trong buổi tiếp xúc lãnh sự, Đoàn Thị Hương nói mình bị lừa tham gia một trò đùa. Các nghi phạm đều nói mình bị dụ tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Phía Malaysia cũng cáo buộc 9 nghi phạm Triều Tiên khác được cho là chủ mưu trong vụ việc. Những nhân vật này hiện đều đang bỏ trốn.
Trong một thoả thuận mới đây, chính phủ Malaysia đã thả 3 nghi phạm đang trốn trong sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur để đổi lại các công dân Malaysia có thể rời Bình Nhưỡng. Cùng thoả thuận này, Malaysia cũng đã trả xác người được cho là Kim Jong Nam cho phía Bình Nhưỡng.
Quan hệ Malaysia - Triều Tiên rơi vào khủng hoảng sau nghi án Kim Jong Nam, với việc chính phủ hai nước trục xuất đại sứ của nhau (một trong những biện pháp ngoại giao mạnh mẽ nhất). Đỉnh điểm của khủng hoảng là việc hai nước cấm công dân của nhau không được xuất cảnh.
Dù phía Malaysia khẳng định đã có ADN để xác nhận người thiệt mạng là Kim Jong Nam, phía Triều Tiên đến nay vẫn chỉ gọi đó là công dân Kim Chol. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn gửi các đoàn cấp cao của Bộ Ngoại giao nước này đến Kuala Lumpur để tiến hành đàm phán đòi xác cũng như gây áp lực với phía Malaysia.