Thể hiện cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 12/9/2019, Lễ khai trương Cổng dịch vụ công đã được tổ chức với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Cùng với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Bộ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, trong tháng 12/2019, Bộ Công Thương đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp đưa lên kết nối với nhóm thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm: Đăng ký hoạt động khuyến mại; Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi. Việc kết nối thành công với Cổng dịch vụ công quốc gia ngay trong năm 2019 thể hiện cam kết của Bộ Công Thương luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác hiện đại hóa, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ.
Bộ Công Thương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kết nối 100% các thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương và hướng đến kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.
Bộ Công Thương cũng đã đưa ra khỏi danh mục các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương là 1.051 mã HS/1.799 mã HS (chi tiết đến 8 số) đạt tỷ lệ hơn 58%. Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành đầu tiên công bố danh mục các sản phẩm, hàng hóa cắt giảm không còn là đối tượng kiểm tra chuyên ngành.
Đẩy mạnh kết nối Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, ngoài việc kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; nỗ lực tích hợp các thủ tục vào Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia cũng đang là giải pháp được Bộ Công Thương tích cực triển khai nhằm tạo thuận lợi thương mại tối đa cho doanh nghiệp.
Hiện, Cổng dịch vụ công trực tuyens DVCTT của Bộ đang cung cấp 166 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (122 DVCTT mức độ 3 và 44 DVCTT mức độ 4). Theo Kế hoạch 5045/QĐ-BCT ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp DVCTT của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 - 2020, trong năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục cung cấp mới 30 DVCTT thuộc lĩnh vực an toàn công nghiệp, an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ, quản lý cạnh tranh, thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu, công nghiệp nặng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và đến nay, đã có 172 TTHC của Bộ thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ngoài ra, Bộ Công Thương là một trong 3 Bộ đầu tiên tham gia kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, đến nay đã có 17 thủ tục được kết nối. Trong đó thủ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Mẫu D có số lượng hồ sơ rất lớn. Bên cạnh đó, thủ tục cấp C/O Mẫu D cho đến nay cũng là thủ tục duy nhất được đưa vào kết nối trong Cơ chế một cửa ASEAN, các nước ASEAN hiện đang tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn cấp C/O Mẫu D dạng giấy, chuyển sang phát hành và chấp nhận C/O Mẫu D dạng điện tử.
Về việc triển khai cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin C/O Mẫu D với 4 nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam kết nối bổ sung thêm với Brunei (từ 1/4/2019) và Campuchia (từ 15/7/2019).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cho việc trao đổi dữ liệu về xuất xứ hàng hóa, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc. Ngày 9/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3624/QĐ-BCT về việc ban hành Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D điện tử, tạo thuận lợi cho thương nhân, doanh nghiệp trong quá trình đề nghị cấp C/O Mẫu D điện tử cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước Campuchia, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, kết nối thành công việc trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 6 nước: Indonesia; Thái Lan, Singapore, Malaysia, Bruinei và Campuchia. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.